Quyền Bảo Hộ Hạn Chế & Các Lựa Chọn Thay Thế

Publications
#5578.05

Quyền Bảo Hộ Hạn Chế & Các Lựa Chọn Thay Thế

Quyền bảo hộ là một thủ tục tòa án trong đó thẩm phán quyết định liệu bạn có thể tự chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, quần áo, nơi ở, tài chính hoặc các nhu cầu cá nhân của mình hay không. Thẩm phán có thể tước bỏ một số quyền quan trọng này của bạn.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.

Quyền bảo hộ là gì?

Quyền bảo hộ là một thủ tục xét xử trong đó thẩm phán quyết định quý vị có thể tự chăm lo cho sức khỏe, thực phẩm, quần áo, nơi ở, tài chính hoặc các nhu cầu cá nhân của mình không. Thẩm phán có thể tước bỏ một số trong các quyền quan trọng này của quý vị. Thẩm phán có thể chọn một người khác đưa ra quyết định thay cho quý vị. Tòa án gọi người đó là “người bảo hộ.” Tòa án gọi quý vị là “người được bảo hộ.”

Quyền bảo hộ chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên.

Có những loại quyền bảo hộ khác nhau nào?

Có các loại quyền bảo hộ khác nhau ở California:

  • Quyền Bảo Hộ Tài Chính Thông Thường
  • Quyền Bảo Hộ theo Đạo Luật Lanterman-Petris-Short (Lanterman-Petris-Short Act, LPS)
  • Quyền Bảo Hộ Người Mất Trí Nhớ
  • Quyền Bảo Hộ Hạn Chế

Quyền bảo hộ hạn chế là gì?

Quyền bảo hộ hạn chế là quyền dành cho người bị khuyết tật về trí tuệ và phát triển. Mục tiêu của quyền bảo hộ hạn chế là giúp quý vị tự lực và độc lập nhất có thể. Quyền này cho phép quý vị có một số quyền để có thể đưa ra một số quyết định về cuộc sống của mình. Thẩm phán sẽ quyết định những quyết định mà người bảo hộ sẽ đưa ra thay cho quý vị.

Ai có thể được chỉ định làm người bảo hộ hạn chế của quý vị?

Người bảo hộ hạn chế từ 18 tuổi trở lên. Quý vị có thể đề xuất một người quý vị biết, chẳng hạn như thành viên gia đình hoặc bạn bè. Thẩm phán phải cân nhắc đề xuất của quý vị trước. Nhưng thẩm phán là người đưa ra quyết định cuối cùng nên họ có thể chọn người khác. Thẩm phán cũng có thể chọn nhiều hơn một người bảo hộ hạn chế (“người đồng bảo hộ”). Đôi khi, thẩm phán chọn một người bảo hộ nghiệp vụ tư nhân. Thẩm phán có thể chỉ định người giám hộ công của quận, trung tâm khu vực hoặc Sở Dịch Vụ Phát Triển (Department of Developmental Services, DDS) nếu không có người nào khác.

Nếu Sở Dịch Vụ Phát Triển được chỉ định là người bảo hộ của quý vị, cơ quan này phải giao trách nhiệm hằng ngày cho trung tâm khu vực của quý vị và theo dõi tình hình hoạt động của quý vị và trung tâm khu vực này. Kể từ    ngày 1 tháng Một năm 2023, các trung tâm khu vực không còn tự trở thành người bảo hộ của một người nữa.

Quyền bảo hộ hạn chế được thiết lập như thế nào?

  • Người bảo hộ được đề xuất đệ trình bản kiến nghị lên tòa án. Một bản sao của bản kiến nghị phải được cung cấp cho quý vị.
  • Bản sao của bản kiến nghị được gửi đến một số cơ quan và người thân của quý vị chẳng hạn như trung tâm khu vực.
  • Điều tra viên của tòa án được chỉ định phụ trách vụ việc của quý vị.
  • Quý vị phải đến dự phiên điều trần trừ khi thẩm phán chấp thuận trường hợp ngoại lệ. Thẩm phán sẽ chỉ định một luật sư đại diện cho quý vị.

Điều tra viên của tòa án đóng vai trò gì trong quy trình thiết lập quyền bảo hộ hạn chế?

Điều tra viên của tòa án phải:

  • Giải thích và xét duyệt bản kiến nghị với quý vị.
  • Phỏng vấn quý vị và cung cấp thông tin cho quý vị về quy trình thiết lập quyền bảo hộ. Xác định liệu quý vị:
    • Có thể tham dự phiên điều trần,
    • Muốn phản đối quyền bảo hộ,
    • Phản đối người bảo hộ được đề xuất hay ưu tiên một người khác.
    • Gặp quý vị hằng năm để trao đổi về việc liệu quý vị có muốn chấm dứt quyền bảo hộ hạn chế hay không và liệu có các tùy chọn khác hay không (sau đó trình nội dung này lên thẩm phán).

Trung tâm khu vực đóng vai trò gì trong quyền bảo hộ hạn chế?

Với sự chấp thuận của quý vị, trung tâm khu vực phải đánh giá quý vị và đệ trình báo cáo lên tòa án. Báo cáo này phải bao gồm:

  • Bản chất/mức độ khuyết tật của quý vị.
  • Hỗ trợ quý vị cần.
  • Tình trạng thể chất của quý vị.
  • Tình trạng tâm thần và khả năng kết nối xã hội của quý vị.
  • Đề xuất về những quyền cụ thể được yêu cầu trong bản kiến nghị.

Nếu người bảo hộ được đề xuất là nhà cung cấp dịch vụ, báo cáo phải có nhận xét về việc liệu nhà cung cấp dịch vụ này có phù hợp để đáp ứng nhu cầu quý vị hay không.

Bản sao của báo cáo phải được gửi cho quý vị và luật sư của quý vị ít nhất 5 ngày trước phiên điều trần.

Tôi có những quyền gì trong quy trình thiết lập quyền bảo hộ hạn chế?

Quý vị có quyền:

  • Được thông báo về những quyền sẽ bị tước bỏ và mức độ ảnh hưởng của quyền bảo hộ đến các quyền của quý vị.
  • Nhận thông báo và bản sao của bản kiến nghị về quyền bảo hộ ít nhất 15 ngày trước phiên điều trần tại tòa án.
  • Có luật sư đại diện cho quý vị. Nếu quý vị không có luật sư, thẩm phán phải chỉ định một luật sư cho quý vị.
  • Nhận bản sao của bất kỳ báo cáo nào do gia đình, bạn bè, trung tâm khu vực và những người khác gửi cho thẩm phán.
  • Tham dự phiên điều trần về quyền bảo hộ.
  • Phản đối quyền bảo hộ.
  • Có bồi thẩm đoàn nếu quý vị yêu cầu.
  • Nhận thông tin bằng ngôn ngữ đơn giản về quyền, quyền bảo hộ của quý vị, thủ tục xét xử và chấm dứt hoặc thay đổi quyền bảo hộ.
    • Thẩm phán phải cung cấp cho quý vị thông tin này trong vòng 30 ngày sau khi quý vị được áp dụng quyền bảo hộ và mỗi năm sau đó.

Thẩm phán có thể tước bỏ những quyền nào của tôi trong quyền bảo hộ hạn chế?

Thẩm phán có thể tước bỏ một số hoặc tất cả quyền sau:

  • Quyền xác định nơi cư trú.
  • Quyền truy cập vào hồ sơ bí mật.
  • Quyền được kết hôn.
  • Quyền ký kết hợp đồng.
  • Quyền đưa ra chấp thuận điều trị y tế.
  • Quyền kiểm soát các mối quan xã hội và tình dục.
  • Quyền đưa ra quyết định giáo dục.

Làm thế nào để chứng minh rằng tôi không cần người bảo hộ?

Quý vị có thể chứng minh rằng quý vị có thể tự chăm lo cho sức khỏe, thực phẩm, quần áo, nơi ở, tài chính hoặc các nhu cầu cá nhân của mình. Quý vị có thể sử dụng các hỗ trợ và dịch vụ chẳng hạn như các lựa chọn thay thế đối với quyền bảo hộ bao gồm đưa ra quyết định có hỗ trợ để trợ giúp quý vị.

Nếu tòa án phán quyết rằng tôi cần người bảo hộ hạn chế, người bảo hộ đó có nghĩa vụ và trách nhiệm gì?

Người bảo hộ có nghĩa vụ lớn nhất là thực hiện việc thẩm phán chỉ định, đó là đưa ra quyết định cho quý vị. Việc này có thể bao gồm:

  • Giúp quý vị nhận dịch vụ hỗ trợ, giáo dục, y tế cùng các dịch vụ khác nhằm giúp quý vị độc lập nhất có thể.
  • Ứng cứu khủng hoảng khi cần.
  • Giúp quý vị kiểm soát các nhu cầu cá nhân hoặc tài chính của mình.

Người bảo hộ của quý vị phải luôn trợ giúp quý vị đưa ra các quyết định của riêng mình, cho quý vị biết các quyết định họ đưa ra, đồng thời hỗ trợ quý vị trở nên độc lập nhất có thể.

Thẩm phán cũng phải cung cấp cho người bảo hộ những thông tin về quyền bảo hộ hạn chế, bao gồm cách giúp quý vị đưa ra các quyết định của riêng mình, cách chấm dứt hoặc thay đổi quyền bảo hộ và những trách nhiệm của họ trong vai trò là người bảo hộ.

Đâu là những lựa chọn thay thế ít hạn chế hơn đối với quyền bảo hộ hạn chế?

Trước khi một cá nhân/DDS có thể đề xuất trở thành người bảo hộ của quý vị với tòa án, họ phải cân nhắc những phương án khác theo quy định của luật pháp. Các phương án này được gọi là “những lựa chọn thay thế ít hạn chế hơn” và họ có thể hoãn hoặc hủy bỏ nhu cầu về quyền bảo hộ. Người bảo hộ được đề xuất phải cho thẩm phán biết họ đã thử những lựa chọn thay thế nào và lý do những lựa chọn đó không hiệu quả. Thẩm phán phải xem xét liệu những lựa chọn thay thế có hiệu quả nếu quý vị nhận được dịch vụ và hỗ trợ phù hợp không.

Những Lựa Chọn Thay Thế Chung

Đưa Ra Quyết Định Có Hỗ Trợ:

Đưa Ra Quyết Định Có Hỗ Trợ (Supported Decision-Making, SDM) là khi quý vị nhờ bạn bè, gia đình và chuyên gia đáng tin cậy giúp quý vị hiểu về những tình huống và lựa chọn trong cuộc sống. Đây là cách tăng sự độc lập của quý vị. Lựa chọn này khuyến khích quý vị và mang đến cho quý vị quyền đưa ra quyết định về cuộc sống của mình nhiều nhất có thể. SDM là cách hầu hết người trưởng thành đưa ra quyết định hằng ngày. SDM còn:

  • Giúp quý vị triển khai mọi việc trong cuộc sống.
  • Giúp quý vị đưa ra lựa chọn về nơi ở, lối sống và người sống chung với quý vị.
  • Giúp quý vị đưa ra lựa chọn về nơi làm việc mong muốn của quý vị.
  • Giúp quý vị hành động trong cuộc sống thay vì một người nào đó hành động thay cho quý vị.
  • Cho phép quý vị có chất lượng cuộc sống khả quan hơn.
  • Tăng cơ hội việc làm, tính độc lập trong cuộc sống hằng ngày và hội nhập cộng đồng của quý vị.

Quý vị có thể chọn thực hành SDM có hoặc không có văn bản thỏa thuận.

Nếu quý vị chọn sử dụng văn bản thỏa thuận, quý vị có thể tạo văn bản thỏa thuận về SDM trong đó quý vị lựa chọn người hỗ trợ cho quý vị. Ví dụ: Quý vị có thể chọn anh/chị giúp quý vị đưa ra quyết định về tiền bạc hoặc quý vị có thể chọn một người bạn giúp quý vị ra quyết định về sức khỏe. Quý vị cũng có thể chọn tự đưa ra một số quyết định. Ví dụ: Quý vị có thể chọn tự đưa ra quyết định về nhà của mình. Ký thỏa thuận SDM không ngăn việc quý vị hành động độc lập về thỏa thuận đó, đồng thời thỏa thuận SDM không được dùng làm bằng chứng về việc quý vị không thể đưa ra quyết định cho bản thân. Quý vị có thể chấm dứt thỏa thuận SDM bất cứ lúc nào.

Có những quy tắc về văn bản thỏa thuận quý vị và người hỗ trợ của quý vị phải tuân theo nếu quý vị muốn người khác công nhận các thỏa thuận này. Văn bản thỏa thuận SDM phải:

  • Bằng ngôn ngữ đơn giản,
  • Được quý vị và người hỗ trợ ký tên trước mặt nhân chứng,
  • Được xét duyệt ít nhất hai năm một lần và
  • Bao gồm...
    • Nội dung quý vị muốn được hỗ trợ,
    • Những việc người hỗ trợ đồng ý giúp quý vị,
    • Chấp thuận của người hỗ trợ với những trách nhiệm của họ với tư cách là người hỗ trợ,
    • Thông tin về quyền báo cáo lạm dụng của quý vị, và
    • Bất kỳ tài liệu liên quan nào khác về việc đưa ra quyết định (chẳng hạn như các lựa chọn thay thế khác đối với quyền bảo hộ được thảo luận bên dưới)

Quý vị có thể tìm thêm các nguồn lực về SDM, bao gồm thỏa thuận SDM mẫu, tại đây: https://supportwithoutcourts.org/sdm-resources/

Giấy Ủy Quyền Lâu Dài:

Đây là tài liệu pháp lý trong đó quý vị cấp cho một người nào đó quý vị tin tưởng quyền hợp pháp để đưa ra các quyết định cho quý vị. Đây là một cách để quý vị nhận được trợ giúp với các dịch vụ và hỗ trợ cần thiết để sống độc lập. Quý vị có thể cấp cho một người nào đó quyền đưa ra một loại quyết định, chẳng hạn như y tế hoặc tài chính hay cấp cho họ quyền đưa ra cả hai loại quyết định.

Những Lựa Chọn Thay Thế Chung Khác:

  • Quý vị có thể gia nhập các nhóm tự bênh vực chẳng hạn như People First hoặc tham gia đào tạo tự bênh vực để giúp quý vị học cách giao tiếp và bênh vực cho các nhu cầu của mình.
  • Quý vị có thể ghi các lựa chọn của mình vào IEP hoặc IPP.
  • Quý vị có thể chuẩn bị cho IEP hoặc IPP bằng cách luyện tập nhập vai và nói về những nhu cầu và mong muốn của bản thân với người nào đó quý vị tin tưởng.
  • Quý vị có thể tìm thấy những điều giải viên hỗ trợ quý vị đưa ra quyết định.

Những Lựa Chọn Thay Thế Cụ Thể

Những lựa chọn thay thế để nhận các dịch vụ trong IEP hoặc IPP của quý vị:

Quý vị có quyền mời mọi người vào cuộc họp IEP hoặc IPP của mình. Họ sẽ hỗ trợ quý vị trong việc bênh vực cho các dịch vụ quý vị cần để sống độc lập. Những người bênh vực có thể là:

  • Điều phối viên dịch vụ.
  • Gia đình và những người trong vòng hỗ trợ của quý vị.
  • Người bênh vực đã qua đào tạo.

Những lựa chọn thay thế để quyết định nơi ở và người sống chung với quý vị:

Thảo luận các mong muốn và phương án/lựa chọn với người nào đó quý vị tin tưởng chẳng hạn như:

  • Vòng hỗ trợ của quý vị (người quý vị tin tưởng và người hỗ trợ quý vị).
  • Nhà cung cấp Dịch Vụ Sống Độc Lập (Independent Living Services, ILS).
  • Nhà cung cấp Dịch Vụ Hỗ Trợ Đời Sống (Supported Living Services, SLS).
  • Nhân viên trong Cơ Sở Chăm Sóc trung Gian hoặc Cơ Sở Chăm Sóc tại Cộng Đồng.

Hỏi những người đáng tin cậy về cách quý vị có thể nhận được trợ giúp về tiền thuê nhà hoặc đăng ký tham gia chương trình Hỗ Trợ Gia Cư Chính Phủ.

Bênh vực tại IPP và viết các lựa chọn của quý vị vào IPP.

Những lựa chọn thay thế để tiếp cận những thông tin bí mật của quý vị:

Nếu muốn người nào đó quý vị tin tưởng nhận được thông tin bí mật của quý vị, quý vị có thể cho phép bằng cách sử dụng một trong các phương án sau:

  • Ký tên vào mẫu tiết lộ thông tin y tế HIPAA.
  • Ký tên vào mẫu chấp thuận tiết lộ thông tin hoặc hồ sơ.
  • Quý vị và người khác có thể cùng gọi điện cho cơ quan để quý vị có thể cho phép qua điện thoại.

Những lựa chọn thay thế giúp quản lý tiền bạc của quý vị:

  • Quý vị có thể ký tên vào giấy ủy quyền tài chính. Việc này ủy quyền cho người nào đó quý vị tin tưởng đưa ra quyết định về tài chính và tiền bạc của quý vị. Giấy ủy quyền tài chính phải được công chứng. Quý vị có thể chấm dứt giấy này bất cứ khi nào quý vị muốn.
  • Quý vị có thể chọn người nào đó làm người đại diện nhận thanh toán phúc lợi SSI/An Sinh Xã Hội của quý vị.
  • Có những luật giúp bảo vệ các phúc lợi SSI/An Sinh Xã Hội của quý vị.
  • Quý vị có thể viết các dịch vụ vào IPP để giúp quý vị quản lý tiền bạc, chẳng hạn như nhân viên dịch vụ sống độc lập của quý vị.
  • Sự Ủy Thác về Nhu Cầu Đặc Biệt có thể được tạo ra cho quý vị. Sau đó, người được ủy thác sẽ quản lý tiền bạc của quý vị.
  • Tài khoản ngân hàng đồng sở hữu: quý vị có thể thiết lập tài khoản đồng sở hữu với người quý vị tin tưởng để giúp quý vị lập ngân phiếu, nạp hoặc rút tiền.

Những lựa chọn thay thế trợ giúp cho các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của quý vị:

  • Quý vị có thể ký Chỉ Thị Chăm Sóc Sức Khỏe Trước để những mong muốn của quý vị sẽ được đáp ứng. Giấy này yêu cầu một trong hai chữ ký của nhân chứng hoặc phải được công chứng. Quý vị có thể thay đổi hoặc chấm dứt giấy này bất cứ khi nào quý vị muốn.
  • Vì quý vị là bệnh nhân nên bác sĩ phải cho quý vị biết những rủi ro và lợi ích của phương pháp điều trị, các phương pháp điều trị hiện có khác và những việc xảy ra nếu không điều trị.
  • Nếu quý vị không thể đưa ra quyết định:
    • Người thân gần gũi nhất hiện tại của quý vị (chẳng hạn như phụ huynh) có thể ủy quyền chăm sóc sức khỏe.
    • Trong một số tình huống, trung tâm khu vực của quý vị có thể ủy quyền một số dịch vụ chăm sóc y tế, phẫu thuật hoặc nha khoa. Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể đưa ra quyết định trong trường hợp khẩn cấp.
  • Các ca phẫu thuật y tế cụ thể cần phải có sự ủy quyền của tòa án.
  • Nếu quý vị đang ở trong ICF/SNF, nhóm liên ngành có thể phê duyệt phương pháp điều trị y tế, nếu không người nào có thẩm quyền hợp pháp để đưa ra quyết định y tế.

Những lựa chọn thay thế trợ giúp cho các mối quan hệ tình dục/xã hội của quý vị:

Những dịch vụ trong IEP hoặc IPP có thể bao gồm các hỗ trợ để trợ giúp quý vị trong các mối quan hệ chẳng hạn như tư vấn, dịch vụ sống độc lập và dịch vụ hỗ trợ đời sống. Quý vị cũng có thể nhận dịch vụ giáo dục trong các lĩnh vực về kỹ năng xã hội, nhận thức an toàn và cách có mối quan hệ lành mạnh với người khác. Điều này có thể bao gồm các mối quan hệ với bạn trai và bạn gái.

Những lựa chọn thay thế trợ giúp cho các quyết định về giáo dục của quý vị:

Quý vị có thể cấp quyền đưa ra các quyết định về giáo dục cho người quý vị tin tưởng. Quý vị có thể có giấy ủy quyền lâu dài hoặc được giao quyền đưa ra quyết định về giáo dục.

Những lựa chọn thay thế trợ giúp quý vị đệ đơn kiện tại tòa án:

Nếu quý vị cần đệ đơn kiện tại tòa án, tòa án có thể chỉ định người nào đó giúp quý vị trao đổi với luật sư của quý vị và hầu tòa. Người này được gọi là Người Đại Diện Quyền Lợi. Người Đại Diện Quyền Lợi sẽ thay mặt quý vị tại tòa án nếu quý vị không thể ra tòa hoặc không hiểu.

Tôi có phải trả án phí và chi phí trong vụ việc về quyền bảo hộ của mình không?

Tòa án sẽ xác định liệu quý vị có phải trả phí đệ đơn, phí dịch vụ pháp lý và án phí hay không.

Những quyền nào KHÔNG CÓ trong quyền bảo hộ hạn chế?

Người bảo hộ không được:

  • Kiểm soát tiền thù lao từ công việc hoặc tiền lương của quý vị,
  • Phê duyệt phương pháp điều trị y tế gây hại,
  • Ép buộc quý vị trị liệu bằng thuốc,
  • Làm quý vị triệt sản để quý vị không có khả năng sinh con,
  • Đưa quý vị vào một cơ sở,
  • Chấp thuận liệu pháp sốc điện (Electro-convulsive Shock Therapy, ECT).
  • Chấp thuận tâm lý trị liệu,
  • Có các quyền nào khác KHÔNG được tòa án chỉ định cụ thể.

Tôi giữ lại các quyền nào trong quyền bảo hộ hạn chế?

Quý vị giữa lại các quyền:

  • Kiểm soát tiền thù lao hoặc tiền lương của chính mình,
  • Lập hoặc thay đổi di chúc để cho biết người được hưởng tài sản cá nhân của quý vị khi quý vị qua đời,
  • Kết hôn trừ khi thẩm phán đặc biệt tước bỏ quyền đó,
  • Nhận thư cá nhân,
  • Bầu cử trừ khi thẩm phán đặc biệt tước bỏ quyền đó, Được một luật sư đại diện,
  • Yêu cầu người bảo hộ mới,
  • Yêu cầu chấm dứt quyền bảo hộ.

Tôi có thể làm gì nếu không đồng ý với người bảo hộ của tôi hoặc muốn chấm dứt quyền bảo hộ hạn chế?

  • Liên hệ với luật sư của quý vị, điều tra viên tòa án chứng thực di chúc, trung tâm khu vực, chương trình ban ngày hoặc nhân viên hỗ trợ. Quý vị cũng có thể liên hệ với Quyền Của Người Khuyết Tật California và/hoặc Văn Phòng Hỗ Trợ Quyền Thân Chủ; thông tin liên hệ của chúng tôi được nêu ở phần cuối của tài liệu này.
  • Yêu cầu phiên điều trình tại tòa án. Kể từ ngày 1 tháng Một năm 2023, một luật mới ở California yêu cầu thẩm phán cấp cho quý vị và luật sư cũng như ấn định ngày diễn ra phiên điều trần nếu quý vị nói với họ rằng quý vị muốn chấm dứt quyền bảo hộ.
    • Nếu người bảo hộ của quý vị đồng ý chấm dứt quyền bảo hộ và hiện có những lựa chọn thay thế ít hạn chế hơn, tòa án có thể chấm dứt quyền bảo hộ mà không cần phải có phiên điều trần.

Quyền bảo hộ hạn chế chấm dứt khi nào?

  • Khi thẩm phán chấm dứt.
  • Khi người bảo hộ hoặc người được bảo hộ qua đời.
  • Lệnh của thẩm phán cho biết quyền bảo hộ hạn chế không còn cần thiết.
  • Người bảo hộ đệ trình bản kiến nghị với tòa án để từ chức.

Làm thế nào tôi biết được liệu thẩm phán có ra lệnh cho quyền bảo hộ hạn chế hay không?

  • Quý vị sẽ nhận được bản sao lệnh thẩm phán.
  • Lệnh của thẩm phán sẽ cho quý vị biết người bảo hộ được trao những quyền nào.

Làm thế nào để người khác biết được tôi có người bảo hộ?

Người bảo hộ phải cung cấp cho những người khác một bản sao chính thức của Thư về Quyền Bảo Hộ. Bản sao chính thức này phải bao gồm phần chứng nhận hoàn chỉnh của Thư về Quyền Bảo Hộ trước khi họ được xem là người bảo hộ.

Nếu tôi cần thêm trợ giúp thì sao?

Để biết thêm thông tin, hãy gọi:

Quyền của Người Khuyết Tật California

1-800-776-5746 (TTY 1-800-719-5798)

Văn Phòng Bênh Vực Quyền Lợi Thân Chủ

Bắc California: 1-800-390-7032 (TTY 877-669-6023)

Nam California: 1-866-833-6712 (TTY 877-669-6023)

Chúng tôi có thể trợ giúp bằng cách:

  • Cho quý vị biết về các quyền của quý vị
  • Cho quý vị biết về những lựa chọn thay thế của quyền bảo hộ
  • Trao đổi hoặc giúp quý vị trao đổi với luật sư, điều tra viên tòa án chứng thực di chúc và những người khác có thể trợ giúp quý vị.