Động Vật Trợ Giúp Tại Nhà Ở: Động Vật Phục Vụ và Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần

Publications
#F115.05

Động Vật Trợ Giúp Tại Nhà Ở: Động Vật Phục Vụ và Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần

This tells you about your right to have an assistance animal when your housing does not allow pets.  Assistance animal means an animal you need lives in your home. It can be a service animal or an emotional support animal. This pub tells you what to do if your landlord will not let you keep your assistance animal and tells you where to get help.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.

I. Đâu Là Điểm Khác Nhau Giữa Động Vật Phục Vụ và Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần?

Động vật phục vụ và động vật trợ giúp về tinh thần là hai loại động vật khác nhau có thể trợ giúp người khuyết tật.

Việc hiểu những điểm khác nhau về mặt pháp lý giữa hai loại động vật trợ giúp là điều quan trọng vì những quy định áp dụng cho tình huống của quý vị có thể khác nhau!

Động Vật Phục Vụ là chó hoặc ngựa giống nhỏ làm việc, trợ giúp hoặc thực hiện các công việc cho người khuyết tật. Chỉ chó và ngựa giống nhỏ mới có thể làm động vật phục vụ. Động vật phục vụ phải được huấn luyện để thực hiện các công việc đặc thù nhằm hỗ trợ cho tình trạng khuyết tật của quý vị. Động vật phục vụ đang trong quá trình huấn luyện không được xem là động vật phục vụ, tuy nhiên, quý vị có thể mang chúng đến những nơi công cộng của California nhằm mục đích huấn luyện. Nếu động vật phục vụ đang được huấn luyện gây ra thiệt hại, quý vị có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý và phải bồi thường thiệt hại.

Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần (Emotional Support Animal, ESA) có thể là bất kỳ động vật nào mang lại sự dễ chịu hoặc hỗ trợ để làm giảm bớt một hoặc nhiều triệu chứng khuyết tật của một người. Động vật trợ giúp về tinh thần không cần được huấn luyện riêng biệt để mang lại sự thoải mái hoặc hỗ trợ cho tình trạng khuyết tật của một người. ESA không có quyền vào nơi công cộng như động vật phục vụ. Nếu quý vị có một ESA, quý vị không được phép mang động vật này vào các doanh nghiệp và về mặt pháp lý, doanh nghiệp có thể từ chối cho quý vị vào. Việc xuyên tạc ESA là động vật phục vụ đã qua huấn luyện là một tội danh nhẹ, có thể bị phạt tù đến sáu tháng và/hoặc phạt tiền lên đến $1.000. (Bộ Luật Hình Sự Mục 365.7(a)).

II. Người Cung Cấp Gia Cư Có Thể Yêu Cầu Tôi Cho Biết rằng Tôi Có Động Vật Trợ Giúp và Chứng Minh Động Vật Của Tôi là Động Vật Trợ Giúp Không?

A. Động Vật Phục Vụ

  1. Nếu quý vị có động vật phục vụ (chó hoặc ngựa giống nhỏ), có nhiều giới hạn pháp lý hơn về những nội dung Người Cung Cấp Gia Cư có thể yêu cầu. Nếu quý vị đang nộp đơn đăng ký thuê nhà, quý vị thường không cần phải cho biết rằng quý vị có động vật phục vụ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nội dung đơn đăng ký thuê nhà yêu cầu về động vật, quý vị nên tìm tư vấn pháp lý về tình huống cụ thể của mình. Về mặt pháp lý, nếu quý vị cho biết hoặc nếu Người Cung Cấp Gia Cư đã biết rằng quý vị có một con vật, Người Cung Cấp Gia Cư chỉ có thể hỏi:
    1. Đây có phải là động vật cần thiết cho tình trạng khuyết tật của quý vị không?
    2. Động vật được huấn luyện để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ gì?
  2. Người Cung Cấp Gia Cư không được yêu cầu quý vị cung cấp chứng cứ huấn luyện hoặc chứng nhận, tuy nhiên động vật phục vụ phải nằm trong tầm kiểm soát của người dắt. 
    Ví dụ: “nằm trong tầm kiểm soát” nghĩa là quý vị phải nịt, xích hoặc buộc động vật khi ở nơi công cộng, trừ khi động vật cần được tháo xích vào một số thời điểm để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, động vật phải được xích lại. Chủ sở hữu phải dùng các tín hiệu để hướng dẫn hiệu quả động vật phục vụ, đồng thời động vật phục vụ phải biết vâng lời. Chủ sở hữu phải đảm bảo rằng động vật phục vụ không sủa liên tục hoặc đi lang thang mà không có chủ.
  3. Người Cung Cấp Gia Cư có thể đảm bảo rằng người sở hữu động vật phục vụ nói sự thật thông qua giấy tờ có chữ ký, chẳng hạn như hợp đồng thuê nhà.  Ngoài nguy cơ bị trục xuất ra khỏi nhà, việc xuyên tạc một con vật là động vật phục vụ đã qua huấn luyện là một tội danh nhẹ, có thể bị phạt tù đến sáu tháng và/hoặc phạt tiền lên đến $1.000. (Bộ Luật Hình Sự Mục 365.7(a)).

B. Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần (ESA)

  1. Nếu quý vị có Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần (Emotional Support Animal, ESA), Người Cung Cấp Gia Cư có thể yêu cầu chứng từ trong đó cho biết quý vị bị khuyết tật và quý vị cần có ESA do tình trạng khuyết tật của mình. Người Cung Cấp Gia Cư cũng có thể yêu cầu quý vị cung cấp giấy chứng nhận y tế về nhu cầu ESA của quý vị từ chuyên viên y tế. Tuy nhiên, Người Cung Cấp Gia Cư không được yêu cầu thông tin chi tiết về chẩn đoán của quý vị. Xem phần cuối của tài liệu này để biết mẫu thư yêu cầu nuôi giữ ESA tại nhà.

Để biết thêm thông tin từ HUD và CRD, hãy truy cập: https://www.hud.gov/sites/dfiles/PA/documents/HUDAsstAnimalNC1-28-2020.pdf

https://calcivilrights.ca.gov/wp-content/uploads/sites/32/2022/12/Emotional-Support-Animals-and-Fair-Housing-Law-FAQ_ENG.pdf

III. Người Cung Cấp Gia Cư Có Được Tính Phí Cho Động Vật Phục Vụ Của Tôi Không?

Không, Người Cung Cấp Gia Cư không được tính phí thuê nhà cho thú nuôi hoặc tiền cọc cho thú nuôi bởi vì động vật trợ giúp (cả động vật phục vụ lẫn ESA) không được xem là thú nuôi. Tuy nhiên, quý vị có thể cần phải bồi thường những thiệt hại do động vật trợ giúp gây ra.

IV. Người Cung Cấp Gia Cư Có Được Yêu Cầu Tôi Tuân Thủ Luật Chính Quyền Địa Phương/Tiểu Bang Áp Dụng Cho Tất Cả Động Vật Không?

Có, Người Cung Cấp Gia Cư có thể yêu cầu quý vị phải đưa động vật trợ giúp đi lấy giấy phép hoặc tiêm chủng theo luật chính quyền địa phương/tiểu bang áp dụng cho tất cả động vật trong khu vực quý vị sinh sống.

V. Người Cung Cấp Gia Cư Có Được Áp Dụng Các Hạn Chế Khác Đối Với Động Vật Trợ Giúp Của Tôi Không?

Chính sách “cấm thú nuôi” không áp dụng cho động vật trợ giúp.

Thông thường, Người Cung Cấp Gia Cư không được áp dụng các hạn chế về cân nặng và giống loài đối với động trợ giúp của quý vị. Tuy nhiên, đôi khi, Người Cung Cấp Gia Cư có thể tìm cách khác hợp pháp để hạn chế chó dựa trên giống loài. Việc tìm tư vấn pháp lý về tình huống cụ thể của quý vị có thể sẽ hữu ích.

VI. Tôi Có Quyền Gì Nếu Đang Sống Tại Nơi Tạm Trú?

Quý vị sẽ được phép nuôi giữ động vật phục vụ và ESA trong khi ở nơi tạm trú.

Nếu có ESA, quý vị sẽ cần phải yêu cầu phương tiện trợ giúp hợp lý để nuôi giữ ESA bên cạnh mình. Tuy nhiên, ESA có thể bị cấm trong khu vực công cộng của nơi tạm trú.

Động vật phục vụ có thể được cho phép ở khu vực ăn uống chung và bất kỳ khu vực nào khác mà quý vị được cho phép.

VII. Phương Tiện Trợ Giúp Hợp Lý Là Gì và Tôi Có
Cần Phải Yêu Cầu Phương Tiện Trợ Giúp Hợp Lý Cho Động Vật Trợ Giúp Của Mình Không?

Phương tiện trợ giúp hợp lý là một ngoại lệ hoặc thay đổi được áp dụng cho quy định, chính sách hoặc thông lệ của người cung cấp gia cư.

Đối với động vật phục vụ, quý vị không cần phải yêu cầu phương tiện trợ giúp hợp lý để nuôi giữ động vật phục vụ trong nhà mình ngay cả khi Người Cung Cấp Gia Cư có chính sách Cấm Thú Nuôi hoặc các quy định tương tự khác.

Đối với ESA, quý vị có thể cần phải yêu cầu phương tiện trợ giúp hợp lý nếu Người Cung Cấp Gia Cư đưa ra quy định, chính sách hoặc thông lệ nhằm ngăn chặn quý vị sở hữu ESA.

Mặc dù yêu cầu phương tiện trợ giúp hợp lý không cần phải lập thành văn bản nhưng việc gửi yêu cầu đó bằng văn bản (và giữ một bản sao để lưu hồ sơ của quý vị) sẽ giúp bảo vệ quý vị. Xem phần cuối của tài liệu này để biết mẫu thư yêu cầu nuôi giữ ESA tại nhà.

Người Cung Cấp Gia Cư phải nhanh chóng phản hồi yêu cầu của quý vị. Việc Người Cung Cấp Gia Cư không phản hồi trong vòng một khoảng thời gian hợp lý có thể bị xem là từ chối phương tiện trợ giúp hợp lý và phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật. 

Xem thêm thông tin từ HUD tại đây: https://www.hud.gov/sites/dfiles/PA/documents/HUDAsstAnimalNC1-28-2020.pdf

VIII. Người Cung Cấp Gia Cư Có Thể Từ Chối Yêu Cầu Cho Phép Động Vật Trợ Giúp Đồng Hành Cùng Quý Vị Tại Nhà Không?

Trong một số trường hợp nhất định, Người Cung Cấp Gia Cư có thể từ chối một cách hợp pháp yêu cầu nuôi giữ động vật trợ giúp nếu động vật đó:

  1. không cần thiết cho tình trạng khuyết tật của quý vị hoặc tình trạng khuyết tật của thành viên trong gia đình quý vị,
  2. có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến người khác hoặc tài sản,
  3. không được người dắt chăm sóc hoặc không được huấn luyện đi vệ sinh ở ngoài nhà,
  4. tốn quá nhiều tiền hoặc là gánh nặng quản lý đáng kể hoặc
  5. làm thay đổi đáng kể bản chất của dịch vụ mà Người Cung Cấp Gia Cư hoặc Hiệp Hội Chủ Sở Hữu Nhà Ở cung cấp.
    Ví dụ: Quý vị chịu trách nhiệm cho ăn, dắt đi dạo hoặc dọn vệ sinh cho động vật trợ giúp. Yêu cầu Người Cung Cấp Gia Cư cho ăn, dắt đi dạo hoặc dọn vệ sinh cho động vật trợ giúp có thể được coi là một thay đổi đáng kể (“thay đổi căn bản”) về dịch vụ mà Người Cung Cấp Gia Cư cung cấp.

IX. Có Chương Trình Nào Tài Trợ Để Tôi Chăm Sóc Động Vật Trợ Giúp Không?

Chỉ dành cho chó phục vụ, không dành cho ESA.

Nếu quý vị cần hỗ trợ thanh toán các chi phí liên quan đến chó phục vụ, California có một chương trình cung cấp $50 mỗi tháng để hỗ trợ thanh toán các chi phí này. Thông tin thêm về chương trình này có tại https://www.cdss.ca.gov/assistance-dogs.

X. Tôi Có Những Lựa Chọn Nào Nếu Cho Rằng Người Cung Cấp Gia Cư Đang Phân Biệt Đối Xử Với Tôi Vì Tôi Có Động Vật Trợ Giúp?

  1. Nộp đơn khiếu nại hành vi phân biệt đối xử về gia cư của người cung cấp gia cư với Sở Dân Quyền California. Thông tin thêm về quy trình này có tại https://calcivilrights.ca.gov/complaintprocess/
  2. Nộp đơn khiếu nại hành vi phân biệt đối xử về gia cư của người cung cấp gia cư với Văn Phòng về Cơ Hội Bình Đẳng và Gia Cư Công Bằng của Sở Gia Cư và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ. Thông tin thêm về quy trình này có tại https://www.hud.gov/program_offices/fair_housing_equal_opp/online-complaint
  3. Khởi kiện Người Cung Cấp Gia Cư ra tòa án liên bang hoặc tiểu bang.

XI. Luật Áp Dụng Cho Tất Cả Động Vật Trợ Giúp

Để biết thêm thông tin chi tiết, có một số luật mà tài liệu này dùng làm căn cứ.

  1. Đạo Luật Người Mỹ Khuyết Tật (Americans with Disabilities Act, ADA) Liên Bang Tiêu Đề II và Tiêu Đề III  https://www.ada.gov/law-and-regs/ada/
  2. Đạo Luật Tu Chính về Gia Cư Công Bằng Liên Bang và Mục 504 của Đạo Luật Phục Hồi Liên Bang  https://www.hud.gov/program_offices/fair_housing_equal_opp/fair_housing_and_related_law
  3. Đạo Luật Người Khuyết Tật California và Đạo Luật Việc Làm và Gia Cư Công Bằng của California,  https://calcivilrights.ca.gov/legalrecords/?content=law#law

XII. Mẫu Thư Yêu Cầu Phương Tiện Trợ Giúp Hợp Lý Cho Động Vật Trợ Giúp Về Tinh Thần:

Kính gửi [tên của Chủ Nhà và/hoặc Người Quản Lý Bất Động Sản]

Tôi sống tại/đang nộp đơn đăng ký thuê nhà của quý vị tại [địa chỉ]. Tôi viết thư này để yêu cầu phương tiện trợ giúp/các điều chỉnh hợp lý cho tình trạng khuyết tật của mình như sau: Tôi cần có động vật trợ giúp về tinh thần sống chung với tôi.                                                                                                                  

Yêu cầu này liên quan đến tình trạng khuyết tật của tôi bởi vì:

________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

[Bác sĩ/bác sĩ tâm thần/bác sĩ tâm lý/nhà trị liệu/nhân viên xã hội/nhà hoạt động trị liệu/cá nhân khác] của tôi xác nhận rằng các phương tiện trợ giúp/điều chỉnh này là cần thiết khi xét về tình trạng khuyết tật của tôi. Tôi có thể cung cấp giấy tờ xác nhận này nếu quý vị cần.

Luật liên bang và tiểu bang yêu cầu người cung cấp gia cư phải cung cấp phương tiện trợ giúp hợp lý cho người thuê nhà/người cư trú và người nộp đơn bị khuyết tật.

Vui lòng phản hồi yêu cầu này bằng văn bản trước [ngày]. Xin hãy hiểu rằng việc không phản hồi yêu cầu phương tiện trợ giúp hợp lý, trì hoãn phản hồi một cách thái quá hay từ chối yêu cầu phương tiện trợ giúp một cách bất hợp pháp sẽ cấu thành hành vi phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Xem 2 CCR §12177(e). Vui lòng liên hệ với tôi theo [địa chỉ email của quý vị]. Cảm ơn quý vị đã lưu tâm đến yêu cầu này.

 

Trân trọng,
[Tên của quý vị]
[Địa chỉ của quý vị]