Tờ Thông Tin về Phân Biệt Đối Xử Người Khuyết Tật: Cao Đẳng và Đại Học

Publications
#F111.05

Tờ Thông Tin về Phân Biệt Đối Xử Người Khuyết Tật: Cao Đẳng và Đại Học

Tờ thông tin này nói về quyền của quý vị với tư cách là sinh viên khuyết tật ở bậc giáo dục đại học. Nếu quý vị vừa là sinh viên, vừa làm việc tại trường của mình với tư cách là nhân viên, quý vị có thêm các quyền theo luật lao động của tiểu bang và liên bang. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về các quyền của mình với tư cách là người lao động khuyết tật ở mục Nguồn Lực Việc Làm trên trang mạng của chúng tôi.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.

Tờ thông tin này nói về quyền của quý vị với tư cách là sinh viên khuyết tật ở bậc giáo dục đại học. Nếu quý vị vừa là sinh viên, vừa làm việc tại trường của mình với tư cách là nhân viên, quý vị có thêm các quyền theo luật lao động của tiểu bang và liên bang. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về các quyền của mình với tư cách là người lao động khuyết tật ở mục Nguồn Lực Việc Làm trên trang mạng của chúng tôi.

I. Tổng quan về quyền của người khuyết tật ở bậc giáo dục đại học

Theo luật liên bang và tiểu bang, sinh viên khuyết tật có quyền tiếp cận bình đẳng với giáo dục đại học như những sinh viên khác. “Quyền tiếp cận bình đẳng” nghĩa là nhà trường không thể loại trừ quý vị khỏi các chương trình, dịch vụ hoặc hoạt động của trường vì tình trạng khuyết tật của quý vị. Quyền tiếp cận bình đẳng được áp dụng theo nghĩa rộng. Quyền tiếp cận bình đẳng không chỉ bao gồm quyền tiếp cận các chương trình học thuật mà còn cả các chương trình giải trí của trường, dịch vụ dành cho sinh viên, phương tiện đi lại trong khuôn viên trường, nhà ở sinh viên, tư vấn và các dịch vụ khác. Nhà trường không được tách biệt sinh viên khuyết tật với các sinh viên khác. Nhà trường không được cấm sinh viên khuyết tật ghi danh theo học tại trường. Tương tự như vậy, nhà trường không được sử dụng các tiêu chí tuyển sinh hoặc yêu cầu khác để sàng lọc sinh viên khuyết tật. Nhà trường phải cho phép quý vị mang theo động vật trợ giúp đến khuôn viên trường. Để biết thêm thông tin về động vật trợ giúp và động vật hỗ trợ tinh thần, hãy xem nguồn lực của chúng tôi về Động Vật Hỗ Trợ.

Nhà trường phải thực hiện các bước để đảm bảo rằng người khuyết tật có thể tiếp cận toàn bộ chương trình của nhà trường. Điều này bao gồm đảm bảo các tòa nhà và cơ sở vật chất của trường tuân thủ những yêu cầu về khả năng tiếp cận khi xét đến phương diện kiến trúc. Có thể có những tình huống không thể loại bỏ các rào cản kiến trúc trong một tòa nhà. Trong trường hợp đó, nhà trường phải sửa đổi các chính sách và thông lệ của mình nhằm đảm bảo rằng sinh viên khuyết tật vẫn tiếp cận được các dịch vụ, chương trình và hoạt động của nhà trường. Ví dụ: nếu một sinh viên sử dụng xe lăn ghi danh tham gia lớp học ở một tòa nhà không dễ tiếp cận, nhà trường phải chuyển lớp học đó đến một tòa nhà mà sinh viên đó có thể tiếp cận được.

Khi cần thiết, nhà trường phải thực hiện những sửa đổi hợp lý về chính sách, thông lệ và thủ tục để giúp sinh viên khuyết tật có quyền tiếp cận bình đẳng. Sửa đổi là thay đổi, ngoại lệ hoặc điều chỉnh đối với quy tắc hoặc thông lệ. Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về các sửa đổi hợp lý trong mục tiếp theo của tờ thông tin này.

Có một số luật tiểu bang và liên bang bảo vệ quyền của sinh viên khuyết tật ở bậc giáo dục đại học. Các luật cụ thể áp dụng cho trường học của quý vị tùy thuộc vào trường đó là trường tư thục hay công lập và trường đó có nhận tiền từ chính phủ hay không. Rất hiếm trường học được miễn tất cả các luật về quyền của người khuyết tật. Phần lớn các trường học phải tuân thủ ít nhất một trong các luật chống phân biệt đối xử sau:

  1. Đạo Luật Người Mỹ Khuyết Tật (ADA, Americans with Disabilities Act) là luật liên bang cấm phân biệt đối xử đối với người khuyết tật trong nhiều lĩnh vực của đời sống, bao gồm bậc giáo dục đại học. ADA được tạo thành từ một số mục khác nhau, được gọi là “tiêu đề”. Tiêu đề II của ADA áp dụng cho các thực thể chính quyền tiểu bang và địa phương, bao gồm các trường cao đẳng và đại học công lập. Tiêu đề III của ADA áp dụng cho “các tiện nghi công cộng”. Tiện nghi công cộng là các thực thể tư nhân cung cấp dịch vụ của họ cho người dân. Tiêu đề III của ADA nói rằng “trường tư thục mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, đại học hoặc sau đại học hoặc cơ sở giáo dục khác” là tiện nghi công cộng.
  2. Mục 504 của Đạo Luật Phục Hồi (Section 504 of the Rehabilitation Act) là luật liên bang cấm các thực thể nhận tài trợ liên bang phân biệt đối xử với người khuyết tật. Nói cách khác, nếu một trường học nhận tiền từ chính phủ liên bang (bao gồm tiền vay cho sinh viên liên bang), thì trường đó không được phân biệt đối xử với người khuyết tật.
  3. Đạo Luật Dân Quyền Unruh (Unruh Civil Rights Act) là luật của tiểu bang California nhằm bảo vệ người khuyết tật khỏi bị “cơ sở kinh doanh” phân biệt đối xử.
  4. Đạo Luật Người Khuyết Tật (Disabled Persons Act) là luật của tiểu bang California bảo vệ quyền của người khuyết tật trong việc tiếp cận các tòa nhà, cơ sở vật chất công cộng và các không gian công cộng khác.
  5. Bộ Luật Chính Phủ Mục 11135 (Government Code Section 11135) là luật của tiểu bang California cấm các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ nhận tiền của tiểu bang được phân biệt đối xử.

Có những luật bổ sung cũng có thể áp dụng cho trường của quý vị dựa trên loại trường học. Ví dụ: có những quy tắc về phân biệt đối xử áp dụng riêng cho các trường cao đẳng cộng đồng ở California.

II. Sửa Đổi Hợp Lý

Sửa đổi hợp lý là gì?

Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà sinh viên khuyết tật gặp phải là nhu cầu sửa đổi (hay còn gọi là điều chỉnh thích ứng hoặc điều chỉnh học thuật). Sửa đổi là thay đổi cần thiết đối với quy tắc, chính sách hoặc thông lệ để giúp người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng với dịch vụ, chương trình hoặc cơ sở vật chất. Các trường phải cung cấp những sửa đổi hợp lý trừ khi việc đó sẽ kéo theo gánh nặng hành chính và tài chính quá mức đối với trường; thay đổi dịch vụ, chương trình hoặc hoạt động về cơ bản; hoặc đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hoặc sự an toàn của người khác. Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về từng trường hợp ngoại lệ này bên dưới.

Theo luật, sinh viên có trách nhiệm đưa ra yêu cầu sửa đổi ban đầu. Điều này khác với bậc giáo dục Mẫu Giáo-Lớp 12. Ở trường tiểu học và trung học cơ sở, có luật yêu cầu nhà trường nhận diện học sinh khuyết tật và chủ động đưa ra các dịch vụ và hỗ trợ để giúp các em thành công. Song những luật đó không áp dụng cho bậc giáo dục đại học. Ở trường cao đẳng và đại học, một sinh viên cần sửa đổi phải thực hiện bước đầu tiên bằng cách đưa ra yêu cầu cho nhà trường. Điều này nhằm bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự chủ của sinh viên. Trường cao đẳng và đại học không được ép sinh viên tiết lộ rằng họ bị khuyết tật. Nhà trường cũng không được ép sinh viên chấp nhận một sửa đổi mà các em không muốn hoặc không cần.

Các sửa đổi phải được điều chỉnh cụ thể theo nhu cầu cá nhân của sinh viên đưa ra yêu cầu. Tuy nhiên, có một số sửa đổi phổ biến mà trường học của quý vị có thể đã quen thuộc và có sẵn. Một số sửa đổi phổ biến là: kéo dài thời gian làm bài kiểm tra và bài thi; thêm thời gian để hoàn thành bài tập; người ghi chép hộ trong lớp; sách giáo khoa và tài liệu học tập ở các định dạng thay thế như chữ nổi Braille; vắng mặt có phép vì lý do y tế; và đăng ký ưu tiên. Lưu ý rằng một số "sửa đổi" này thực tế là các trợ giúp và dịch vụ phụ trợ theo ADA, nhưng các trường học thường sử dụng thuật ngữ "sửa đổi" để đề cập theo nghĩa rộng đến bất kỳ dịch vụ liên quan đến người khuyết tật nào. Để biết thêm thông tin về quyền của quý vị đối với các trợ giúp và dịch vụ phụ trợ, vui lòng xem hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, “Các Yêu Cầu ADA – Giao Tiếp Hiệu Quả”, ngày 31 tháng 1 năm 2014.

Cách để yêu cầu sửa đổi hợp lý

Sau đây là các bước mà quý vị cần làm theo để nhận được sửa đổi từ trường học của mình:

Bước 1: Đưa ra yêu cầu

Yêu cầu sửa đổi của quý vị phải giải thích những điều quý vị muốn từ nhà trường và tại sao điều đó lại cần thiết cho tình trạng khuyết tật của quý vị. Quý vị không cần gửi chẩn đoán cho nhà trường, nhưng quý vị phải giải thích mối liên hệ ("quan hệ") giữa sửa đổi mà quý vị đang yêu cầu và nhu cầu liên quan đến tình trạng khuyết tật của quý vị. Quý vị có thể đưa ra yêu cầu bằng lời hoặc bằng văn bản, nhưng nhìn chung, quý vị nên đưa ra yêu cầu bằng văn bản để quý vị có bằng chứng chứng minh cho yêu cầu của mình.

Hầu hết các trường đều có một văn phòng trong khuôn viên trường chuyên cung cấp các dịch vụ cho sinh viên khuyết tật. Các văn phòng này thường được gọi là "Bộ Phận Dịch Vụ cho Sinh Viên Khuyết Tật" hoặc tương tự. Văn phòng này có thể yêu cầu quý vị hoàn thành phỏng vấn tiếp nhận và sử dụng một biểu mẫu cụ thể để yêu cầu sửa đổi. Theo luật, quý vị không bắt buộc phải ghi danh với văn phòng này hoặc sử dụng bất kỳ biểu mẫu cụ thể nào, nhưng nhà trường có thể xử lý yêu cầu của quý vị hiệu quả hơn nếu quý vị làm theo các thủ tục mà nhà trường yêu cầu. Nếu trường học của quý vị không có bộ phận dịch vụ dành cho người khuyết tật, hãy trao đổi với Trưởng Khoa hoặc một quản trị viên khác về cách gửi yêu cầu của quý vị.

Bước 2: Tham gia vào quy trình tương tác

Nếu sửa đổi mà quý vị yêu cầu là cho những điều mà quý vị hiển nhiên cần và dễ thực hiện, nhà trường sẽ chấp nhận yêu cầu của quý vị ngay. Nếu không thì quý vị có thể cần tham gia vào quy trình tương tác với nhà trường. Quy trình tương tác là một quá trình giao tiếp qua lại giữa quý vị và nhà trường để tìm ra sửa đổi phù hợp với quý vị và nhà trường của quý vị.

Nếu tình trạng khuyết tật hoặc nhu cầu sửa đổi của quý vị chưa được xác định hoặc không rõ ràng, nhà trường có thể yêu cầu quý vị cung cấp thêm thông tin hoặc giấy tờ để hỗ trợ yêu cầu. Nhà trường phải thông báo cho quý vị biết thông tin cụ thể mà họ cần. Nhà trường sẽ không yêu cầu thư của bác sĩ hoặc các giấy tờ khác nếu tình trạng khuyết tật của quý vị đã được xác định hoặc rõ ràng. Nhà trường cũng không được yêu cầu quý vị ký vào giấy tiết lộ chung cho phép họ truy cập vào tất cả các hồ sơ y tế của quý vị. Yêu cầu cung cấp thêm thông tin hoặc giấy tờ của nhà trường phải hợp lý và phù hợp chặt chẽ với yêu cầu của quý vị.

Nếu quý vị đang yêu cầu sửa đổi tương tự như sửa đổi quý vị có từ cấp lớp Mẫu Giáo-Lớp 12, thì việc chia sẻ giấy tờ về sửa đổi đó cho trường của quý vị có thể hữu ích. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng theo luật thì các trường cao đẳng và đại học không bắt buộc phải tự động cung cấp cho quý vị những sửa đổi tương tự như sửa đổi quý vị có ở cấp lớp Mẫu Giáo-Lớp 12. Do giáo dục đại học rất khác so với trường tiểu học và trung học cơ sở, các trường cao đẳng và đại học được phép tự đánh giá yêu cầu sửa đổi của quý vị. Ngay cả khi quý vị đã có sửa đổi ở cấp lớp Mẫu Giáo-Lớp 12, trường cao đẳng hoặc đại học vẫn có thể yêu cầu quý vị gửi thêm thông tin để cho thấy rằng sửa đổi là cần thiết.

Sau khi quý vị cung cấp cho nhà trường thông tin họ cần, nhà trường phải đưa ra quyết định trong một khoảng thời gian hợp lý. Nhà trường chỉ có thể từ chối cung cấp sửa đổi hợp lý vì ba lý do:

  1. Việc sửa đổi sẽ tạo ra gánh nặng tài chính và hành chính quá mức. Nhà trường có thể từ chối cung cấp sửa đổi nếu sửa đổi đó quá tốn kém hoặc phức tạp về mặt hành chính. Nhà trường phải cân nhắc tất cả các nguồn lực sẵn có khi quyết định liệu sửa đổi có quá tốn kém hay không. Nhà trường không được từ chối dành ra một khoản tiền nhỏ cho sửa đổi cũng như từ chối sử dụng bất kỳ khoản tiền nào khác có sẵn trong ngân sách. Nếu nhà trường từ chối cung cấp sửa đổi do việc đó sẽ tạo ra gánh nặng quá mức, thì nhà trường phải đề nghị sửa đổi thay thế có hiệu quả tương đương để đáp ứng nhu cầu của quý vị.
  2. Về cơ bản, sửa đổi sẽ thay đổi tính chất của dịch vụ, chương trình hoặc hoạt động. Nhà trường không phải thực hiện sửa đổi đối với yêu cầu học thuật nếu yêu cầu đó là thiết yếu cho chương trình. Việc một yêu cầu cụ thể có thiết yếu cho chương trình hay không sẽ dựa trên thực tế cụ thể và tùy thuộc vào tình huống. Ví dụ: nếu nhà trường yêu cầu tất cả sinh viên tham gia lớp học khoa học trong phòng thí nghiệm như một yêu cầu giáo dục phổ thông, nhưng sinh viên khuyết tật không thể tiếp cận phòng thí nghiệm của trường, nhà trường sẽ miễn yêu cầu đó cho sinh viên. Nhưng nếu sinh viên học chuyên ngành hóa học, các lớp học trong phòng thí nghiệm có thể là yêu cầu thiết yếu cho chương trình cấp bằng. Nhưng lưu ý rằng trong trường hợp này, nhà trường cần đảm bảo tất cả các phòng thí nghiệm của trường dễ tiếp cận đối với sinh viên khuyết tật; nếu không, sinh viên khuyết tật sẽ không được tiếp cận bình đẳng với các chương trình học tập do nhà trường cung cấp.
  3. Việc sửa đổi sẽ tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hoặc an toàn của người khác. Nhà trường không phải cung cấp các sửa đổi có thể gây tổn hại cho người khác. Việc xác định tổn hại của nhà trường phải dựa trên đánh giá mang tính cá nhân về sinh viên và sửa đổi được yêu cầu. Nhà trường không được từ chối cung cấp sửa đổi dựa trên khuôn mẫu, giả định hoặc quan điểm chung về người khuyết tật. Trước khi từ chối yêu cầu sửa đổi, nhà trường phải xác định xem có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ gây hại bằng các sửa đổi bổ sung hoặc thay thế hoặc trợ giúp/dịch vụ phụ trợ hay không. Nếu có thể giảm thiểu nguy cơ gây hại, nhà trường phải chấp thuận việc sửa đổi. Lưu ý rằng ngoại lệ về mối đe dọa trực tiếp chỉ áp dụng cho sức khỏe và sự an toàn của người khác, không phải cho sinh viên yêu cầu sửa đổi. Nói cách khác, nhà trường không được từ chối cung cấp sửa đổi với lý do việc sửa đổi đó sẽ gây hại cho sinh viên khuyết tật đưa ra yêu cầu. Luật pháp bảo vệ quyền của sinh viên khuyết tật về việc được biết những gì là tốt nhất cho các em và được tự đưa ra quyết định về an toàn của các em.

Nếu trường của quý vị từ chối yêu cầu sửa đổi của quý vị, nhà trường cần đề xuất sửa đổi thay thế mà họ sẵn lòng cung cấp. Nếu sửa đổi thay thế đem lại hiệu quả tương đương cho quý vị, quý vị có thể chấp nhận sửa đổi và hoàn thành quy trình tương tác. Nếu sửa đổi thay thế không hiệu quả, quý vị cần giải thích với nhà trường và đề xuất phương án khác. Nếu quý vị và nhà trường không đạt được thỏa thuận về sửa đổi, quý vị có thể cần thực hiện các bước để thực thi quyền của mình.

III. Thực thi quyền của quý vị

Nếu quý vị và trường của quý vị không đạt được thỏa thuận về sửa đổi, nhà trường có thể từ chối yêu cầu của quý vị. Quý vị có thể khiếu nại quyết định từ chối của trường bằng cách sử dụng các quy trình nội bộ (như nộp đơn phàn nàn) hoặc các quy trình bên ngoài như nộp đơn khiếu nại với cơ quan chính phủ hoặc nộp đơn kiện. Quy trình tốt nhất để sử dụng sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh và mục tiêu của quý vị. Chúng tôi sẽ thảo luận về ưu điểm và nhược điểm của từng quy trình dưới đây.

Các quy trình này không chỉ dành cho trường hợp từ chối yêu cầu sửa đổi; quý vị cũng có thể sử dụng các quy trình này để khẳng định quyền của mình nếu nhà trường phân biệt đối xử với quý vị theo những cách khác.

Quy Trình Nội Bộ   

Trường của quý vị phải có sẵn các chính sách và thủ tục để sinh viên khiếu nại các hành động do nhà trường đưa ra. Các chính sách này thường có trong sổ tay sinh viên hoặc được đăng trên trang mạng của trường. Nếu quý vị không thể tìm thấy chính sách, hãy hỏi quản trị viên để biết thông tin.

Nếu nhà trường từ chối yêu cầu sửa đổi của quý vị, quý vị có thể có quyền yêu cầu cân nhắc lại. Nhà trường phải hướng dẫn quý vị cách thực hiện điều đó. Nếu quý vị cảm thấy nhà trường phân biệt đối xử với mình (bao gồm cả việc từ chối cung cấp sửa đổi hợp lý), quý vị có thể nộp đơn phàn nàn. Quy trình phàn nàn của mỗi trường là khác nhau, nhưng thường liên quan đến việc gửi văn bản giải thích lý do quý vị nghĩ rằng nhà trường phân biệt đối xử với quý vị. Nếu quý vị thua trong quy trình phàn nàn, quý vị thường sẽ có quyền kháng cáo. Chính sách phàn nàn của trường quý vị cần giải thích về thời hạn và thủ tục nộp đơn phàn nàn, mốc thời gian để nhà trường cân nhắc và quyết định về phàn nàn, và cách để kháng cáo trong trường hợp quý vị không đồng tình với quyết định của nhà trường về phàn nàn.

Sử dụng các quy trình nội bộ của nhà trường thường nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với việc nộp đơn kiện. Quy trình này có thể phù hợp để sử dụng khi quý vị cần quyết định nhanh chóng và đối với các tranh chấp tương đối nhỏ mà luật sư có thể không sẵn lòng nộp đơn kiện. Nhưng mặt khác, trong quy trình nội bộ sẽ không có người ra quyết định trung lập. Phàn nàn của quý vị sẽ được quyết định bởi một người trong trường và người đó có thể cảm thấy bị áp lực phải đứng về phía nhà trường thay vì quý vị.

Quy Trình Bên Ngoài

Nếu các quy trình nội bộ không được áp dụng thành công hoặc nếu quý vị không muốn sử dụng các quy trình nội bộ của trường, quý vị có thể nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chính phủ hoặc nộp đơn kiện lên tòa án. Không có yêu cầu hạn chế đối với các khiếu nại về phân biệt đối xử ở bậc giáo dục đại học. Điều đó có nghĩa là quý vị có thể nộp đơn kiện thẳng lên tòa án nếu muốn; quý vị không phải nộp đơn phàn nàn nội bộ hoặc nộp đơn khiếu nại với cơ quan chính phủ trước.

Có ba cơ quan chính phủ khác nhau mà quý vị có thể nộp đơn khiếu nại:

  1. Sở Dân Quyền California (trước đây là Sở Gia cư và Việc Làm Công Bằng): Cơ quan này sẽ điều tra các khiếu nại về phân biệt đối xử vi phạm luật pháp của California. Quý vị phải nộp đơn khiếu nại trong vòng 1 năm kể từ khi xảy ra sự phân biệt đối xử. Cơ quan này cũng có sẵn dịch vụ hòa giải để giúp quý vị và trường của quý vị đạt được thỏa thuận mà không cần điều tra khiếu nại. Quý vị có thể tìm thêm thông tin về quy trình khiếu nại của cơ quan này trên trang mạng của họ: https://calcivilrights.ca.gov/
  2. Văn Phòng Dân Quyền (OCR, Office of Civil Rights) của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ: Cơ quan này điều tra khiếu nại đối với các trường công lập và trường học nhận tài trợ liên bang. Thời hạn nộp đơn khiếu nại tới OCR là 180 ngày kể từ ngày xảy ra sự phân biệt đối xử. Nếu quý vị quyết định sử dụng quy trình phàn nàn nội bộ của trường mình trước và quy trình đó mất hơn 180 ngày để hoàn thành, quý vị vẫn có thể gửi đơn khiếu nại tới OCR miễn là quý vị nộp đơn khiếu nại trong vòng 60 ngày kể từ khi quy trình nội bộ của trường quý vị kết thúc. OCR đưa ra ngoại lệ này đối với quy tắc 180 ngày vì họ muốn khuyến khích quý vị cố gắng và giải quyết tranh chấp bằng quy trình nội bộ của trường. Tuy nhiên, quý vị không cần phải sử dụng quy trình nội bộ của trường trước. Quý vị có thể nộp đơn khiếu nại tới OCR ngay nếu muốn. Quý vị có thể tìm thông tin về việc nộp đơn khiếu nại tới OCR trên trang mạng của họ: http://ed.gov/ocr
  3. Bộ Tư Pháp (DOJ, Department of Justice) Hoa Kỳ: DOJ sẽ điều tra các khiếu nại tố cáo hành vi phân biệt đối xử tại các trường tư thục không nhận tiền liên bang. Sẽ không có hạn chót để nộp đơn khiếu nại tới DOJ, nhưng tốt nhất là quý vị nên gửi đơn khiếu nại của mình càng sớm càng tốt. Quý vị càng chờ lâu thì việc nhớ lại các dữ kiện chính và tìm kiếm nhân chứng sẽ càng khó khăn hơn. Xin lưu ý rằng quy trình của DOJ có thể sẽ rất chậm vì cơ quan này nhận được rất nhiều khiếu nại. Đôi khi có thể mất hàng năm để DOJ hoàn thành việc điều tra. Quý vị có thể tìm thông tin về việc gửi đơn khiếu nại tới DOJ trên trang mạng của họ: http://www.ada.gov/filing_complaint.htm.

Nếu gửi khiếu nại đến một thực thể chính phủ không thành công, quý vị vẫn có quyền nộp đơn kiện lên tòa án tiểu bang hoặc liên bang. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng nhà trường có thể cho tòa án biết về việc quý vị gửi khiếu nại không thành công đến một thực thể chính phủ, điều này có thể khiến thẩm phán và bồi thẩm đoàn có quyết định gây bất lợi cho quý vị. Hãy nhớ rằng quý vị không phải gửi khiếu nại tới một thực thể chính phủ nếu quý vị không muốn; quý vị có thể nộp thẳng đơn kiện nếu đó là điều mà quý vị muốn làm.

Lợi ích của việc sử dụng các quy trình bên ngoài (gửi khiếu nại đến một cơ quan chính phủ và nộp đơn kiện lên tòa) so với các quy trình nội bộ là sẽ có một người ra quyết định trung lập không liên quan đến nhà trường. Nhưng nhược điểm của việc sử dụng các quy trình bên ngoài là thường sẽ mất nhiều thời gian hơn quy trình nội bộ của trường.

Một yếu tố khác cần cân nhắc là chi phí. Việc gửi khiếu nại đến một cơ quan chính phủ là miễn phí, còn nộp đơn kiện có thể sẽ rất tốn kém. Nếu quý vị muốn nộp đơn kiện, hãy đảm bảo trao đổi sớm với luật sư của quý vị về cách mà quý vị và luật sư sẽ giải quyết phí tổn. Luật sư của quý vị có thể đồng ý chịu tất cả chi phí kiện tụng để đổi lấy một tỷ lệ phần trăm của số tiền quý vị nhận được nếu quý vị thắng kiện. Nhưng nếu quý vị thua, quý vị có thể phải thanh toán các khoản phí luật sư cho bên thắng kiện.

Yếu tố cuối cùng cần cân nhắc là liệu quý vị có muốn hoặc cần đại diện pháp lý hay không. Quy trình gửi khiếu nại đến các cơ quan chính phủ được thiết kế đủ đơn giản sao cho quý vị có thể thực hiện mà không cần luật sư. Nếu quý vị không có luật sư và không hiểu về quy trình, cơ quan có thể giải thích cho quý vị biết cần làm gì (nhưng họ không thể đưa ra tư vấn pháp lý). Về đơn kiện, quý vị có quyền pháp lý để được tự đại diện cho bản thân, nhưng làm vậy có thể rất khó. Các thủ tục tại tòa án rất phức tạp và có rất nhiều quy tắc. Nếu quý vị mắc sai lầm, thẩm phán có khả năng sẽ không giúp quý vị và thậm chí có thể trừng phạt (xử phạt) quý vị do vi phạm các quy tắc. Điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến cơ hội thắng kiện của quý vị.

IV. Các phương pháp thực hành tốt nhất để bảo vệ quyền của quý vị

Khi được thực hiện đúng, quy trình yêu cầu và nhận các sửa đổi hợp lý từ trường học của quý vị sẽ được hợp lý hóa và mang tính phối hợp. Thật không may, nhiều khi quy trình này có thể trở nên căng thẳng và mang tính bất lợi. Các mẹo này có thể giúp quý vị tự bảo vệ quyền lợi của mình hiệu quả hơn và cải thiện cơ hội thành công nếu sau này quý vị cần gửi đơn phàn nàn hoặc khiếu nại.

Đừng giả định rằng trường của quý vị có hiểu biết về tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận. Nhiều sinh viên cho rằng ban giám hiệu trường học và nhân viên trường học là các chuyên gia về nhu cầu của sinh viên khuyết tật. Không may, thực tế thường không phải như vậy. Ngay cả nhân viên làm việc tại văn phòng dịch vụ cho người khuyết tật cũng có thể không quen thuộc với tình trạng khuyết tật cụ thể của quý vị hoặc các rào cản về khả năng tiếp cận đang tồn tại trong trường học. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để giải thích các thông tin cơ bản về tình trạng khuyết tật của quý vị và những gì quý vị cần để đạt được thành công tại trường học.

Nghiên cứu về các sửa đổi khả thi. Không có gì là lạ khi sinh viên khuyết tật nhận thấy rằng các sửa đổi phù hợp với mình ở cấp lớp Mẫu Giáo-Lớp 12 lại không phù hợp với bậc giáo dục đại học hoặc các em cần có những sửa đổi mà trước đó chưa cần đến. Giáo dục đại học là một môi trường khác với cấp lớp Mẫu Giáo-Lớp 12, với những kỳ vọng và trách nhiệm khác. Đừng cho rằng trường học sẽ cho quý vị biết những sửa đổi nào có sẵn. Nếu quý vị không chắc nên yêu cầu cung cấp sửa đổi nào, quý vị có thể phải nghiên cứu đôi chút. Trung tâm sống độc lập địa phương, Trung Tâm Khu Vực, Sở Phục Hồi và các tổ chức cộng đồng của quý vị có thể sẽ giúp ích. Một nguồn lực tốt khác là Mạng Lưới Điều Chỉnh Công Việc (JAN, Job Accommodation Network) tại địa chỉ askjan.org. Mặc dù tập trung vào việc làm và nơi làm việc, nhưng các trạng mạng của JAN có rất nhiều thông tin chi tiết về các điều chỉnh dựa trên tình trạng khuyết tật của một người. Đây có thể là một nơi hữu ích để lấy ý tưởng về các sửa đổi mà quý vị chưa tự nghĩ ra được. Cuối cùng, hãy cân nhắc tham gia vào một câu lạc bộ hoặc hiệp hội dành cho sinh viên khuyết tật. Các nhóm này có thể cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho sinh viên khuyết tật để giúp các em đạt được mục tiêu ở bậc giáo dục đại học.

Sau khi gửi yêu cầu sửa đổi hợp lý, hãy hỏi về mốc thời gian mà quý vị dự kiến nhận được quyết định từ nhà trường và để ý theo dõi. Luật pháp quy định nhà trường phải phản hồi yêu cầu quý vị sau một khoảng thời gian hợp lý, nhưng luật pháp cũng không quy định cụ thể bao lâu là “hợp lý” vì điều đó còn phụ thuộc vào tình huống cụ thể. Để đảm bảo nhà trường xử lý yêu cầu của quý vị trong một khoảng thời gian hợp lý, hãy hỏi khi nào quý vị có thể dự kiến nhận được phản hồi. Nếu đến lúc đó, quý vị vẫn chưa nhận được phản hồi, hãy liên hệ lại với nhà trường và yêu cầu được cập nhật thông tin. Nếu quý vị cần sửa đổi chậm nhất vào một thời điểm cụ thể, hãy nhớ báo cho trường học biết điều đó khi quý vị đưa ra yêu cầu ban đầu. Nhờ đó, nhà trường sẽ chú ý rằng yêu cầu của quý vị có tính chất nhạy cảm về thời gian. Nếu nhà trường từ chối đưa ra quyết định về yêu cầu của quý vị sau một thời gian dài, quý vị có thể hiểu ngầm rằng đó là quyết định từ chối mang tính xây dựng.

Hãy lưu hồ sơ những giao tiếp của quý vị với nhà trường. Hy vọng rằng nhà trường sẽ cung cấp cho quý vị các sửa đổi mà quý vị cần để đạt được các mục tiêu giáo dục của bản thân. Nếu không, quý vị có thể sẽ cần thực hiện hành động pháp lý như gửi đơn phàn nàn hoặc khiếu nại. Nếu gặp trường hợp đó, quý vị sẽ có cơ hội thắng kiện cao hơn nếu quý vị có giấy tờ về những gì đã xảy ra. Hãy giữ lại bản sao của các biểu mẫu, thư, email và hình thức giao tiếp khác giữa quý vị và nhà trường. Nếu quý vị họp với nhà trường, quý vị có thể xin phép ghi âm lại cuộc trao đổi để lưu hồ sơ. Nếu không được phép ghi âm cuộc họp, quý vị vẫn có thể ghi chú và yêu cầu đưa người ghi chú đi cùng. Nếu tình trạng khuyết tật của quý vị ảnh hưởng đến trí nhớ, quý vị có thể xin phép ghi âm lại cuộc họp hoặc đưa người ghi chú đi cùng như là sửa đổi hợp lý. Quý vị cũng có thể lưu hồ sơ về những gì đã xảy ra tại cuộc họp bằng cách gửi email tiếp nối tóm tắt những lý giải của quý vị về cuộc trao đổi. Quý vị cũng nên tạo một mốc thời gian cho các sự kiện bằng cách ghi biên bản hoặc nhật ký về những trao đổi của quý vị với nhà trường.

Hãy chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Một số trường không đào tạo nhân viên của mình về các sửa đổi và luật về quyền dành cho người khuyết tật. Vì thế, đôi khi nhân viên sẽ từ chối các yêu cầu sửa đổi hợp lý vì họ tin rằng sửa đổi sẽ đem lại lợi thế không công bằng cho các sinh viên khuyết tật. Những người khác tin rằng nếu một sinh viên không thể thành công mà không có các sửa đổi thì sinh viên đó thực sự không xứng đáng được học ở trường. Đây không phải là những lý do hợp pháp để từ chối một yêu cầu. Trên thực tế, những thái độ này chính là điều ADA muốn phản đối. Nếu quý vị gặp phải những niềm tin phân biệt đối xử với người khuyết tật này, quý vị có thể phải trao đổi với nhà trường về các nghĩa vụ pháp lý của họ đối với sinh viên khuyết tật.

Thường xuyên đánh giá lại các sửa đổi và nhu cầu tiếp cận của quý vị. Có thể sẽ mất thời gian để tìm hiểu các sửa đổi nào có hiệu quả ở bậc giáo dục đại học, đặc biệt là với những sinh viên có các tình trạng khuyết tật mới hoặc đang thay đổi. Nếu quý vị nhận được sửa đổi và sau đó nhận ra rằng sửa đổi này không hiệu quả, quý vị có thể yêu cầu thêm sửa đổi hoặc điều chỉnh sửa đổi của bản thân. Nhà trường không thể áp đặt giới hạn về số sửa đổi mà quý vị nhận được hoặc ngăn không cho quý vị đưa ra các yêu cầu trong tương lai nếu nhu cầu của quý vị thay đổi.

Hãy nhớ rằng quý vị không cô đơn nếu bị phân biệt đối xử. Nghiên cứu cho thấy 23% sinh viên khuyết tật đã phải chứng kiến tình trạng phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.1 Nhà trường không được khiến quý vị cảm thấy tội lỗi hoặc yếu kém khi cần có các sửa đổi và một môi trường học tập dễ tiếp cận. Quý vị có quyền được hưởng nền giáo dục như bao người khác. Đừng ngần ngại yêu cầu điều mình cần để đạt được mục tiêu ở bậc giáo dục đại học.

V. Nguồn lực

VI. Thư Mẫu Yêu Cầu Sửa Đổi Hợp Lý

[Ngày]

Kính gửi [Cao Đẳng hoặc Đại Học]:

Tôi là [sinh viên/người đăng ký] và tôi viết thư này để yêu cầu sửa đổi hợp lý cho tình trạng khuyết tật của tôi. Vì bị khuyết tật nên tôi cần: [Mô tả về sửa đổi quý vị cần và giải thích lý do sửa đổi đó cần thiết do tình trạng khuyết tật của quý vị.] Các sửa đổi này là cần thiết để tôi được tiếp cận bình đẳng với [lớp học, dịch vụ hoặc chương trình] như những bạn đồng trang lứa không bị khuyết tật.

[Ví dụ: Vì tình trạng khuyết tật cản trở tôi viết nhanh và rõ, nên tôi cần gõ lại tất cả ghi chú trên máy tính xách tay. Tôi cũng cần có người ghi chú hộ để đảm bảo rằng tôi có thể theo kịp được tất cả các tư liệu quan trọng của giáo sư trên lớp. Nếu không có sửa đổi này, tôi không thể nắm bắt được các thông tin trên lớp. Tôi cần có các sửa đổi này nhằm đảm bảo rằng tôi có ghi chú hữu ích để học và làm tốt bài thi.]

Tôi đã đính kèm thư từ [bác sĩ/bác sĩ tâm thần/nhà trị liệu/nhân viên xã hội/các bên thứ ba khác của tôi] xác nhận rằng tôi cần có các sửa đổi này vì tình trạng khuyết tật của mình.

Vui lòng cho tôi biết dự kiến khi nào tôi có thể nhận được quyết định từ quý vị. [Nếu quý vị cần các sửa đổi muộn nhất vào một ngày nhất định, hãy giải thích điều đó trong thư. Ví dụ: Tôi cần các sửa đổi này trước khi các lớp học bắt đầu vào ngày 1 tháng 9.]

Trân trọng,

[Tên và thông tin liên hệ của quý vị] Thư Hỗ Trợ Mẫu

[Ngày]

Kính gửi [Cao Đẳng hoặc Đại Học]:

Tôi là [nêu rõ vai trò của quý vị và bất kỳ giấy phép hiện hành hoặc bằng cấp chuyên môn nào]. Tôi quen thuộc với [người bị khuyết tật] và tình trạng khuyết tật của họ. Tình trạng khuyết tật của họ [giải thích tình trạng khuyết tật ảnh hưởng đến nhu cầu hoặc hành vi của họ như thế nào].

Do tình trạng khuyết tật, họ cần [nêu rõ về sửa đổi]. Nếu không có sửa đổi, họ sẽ không thể [giải thích rằng việc không có sửa đổi sẽ tác động tiêu cực đến họ như thế nào].

Trân trọng,

[Tên, chức danh và thông tin liên hệ]

 

  • 1. Wendy S. Harbour & Daniel Greenberg, “Môi Trường Học Đường và Sinh Viên Khuyết Tật”, Tóm Tắt Nghiên Cứu của Trung Tâm Quốc Gia dành cho Sinh Viên Đại Học Khuyết Tật (NCCSD, National Center for College Students with Disabilities) 1(2) (2017): 6.