Con Tôi Bị Khuyết Tật và Liên Tục Bị Đình Chỉ Học hoặc Bị Đề Nghị Đuổi Học

Publications
#5563.05

Con Tôi Bị Khuyết Tật và Liên Tục Bị Đình Chỉ Học hoặc Bị Đề Nghị Đuổi Học

Ấn phẩm này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về các quyền của con quý vị nếu em đang được xem xét đình chỉ hoặc đuổi học và các vấn đề liên quan khác.

Nếu con quý vị có nhu cầu đặc biệt và đang gặp phải các vấn đề về hành vi và/hoặc bị đình chỉ học và/hoặc bịhọc khu địa phương (”Học Khu”) đề nghị đuổi học, Học Khu phải tuân theo các thủ tục nhất định trước khi đuổi con quý vị.  Ngoài ra, luật giáo dục đặc biệt của tiểu bang và liên bang cũng có một số quy định nhằm bảo vệ cho những học sinh bị khuyết tật đang bị xem xét đuổi học.

Ấn phẩm này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về các quyền của con quý vị nếu em đang được xem xét đình chỉ hoặc đuổi học và các vấn đề liên quan khác.

“Đình chỉ” nghĩa là chuyển học sinh khỏi môi trường học tập hiện tại vì các mục đích điều chỉnh. Và “Đuổi Học” nghĩa là chuyển học sinh ra khỏi (1) sự giám sát và kiểm soát trực tiếp, hoặc (2) sự giám sát chung, của nhân viên nhà trường.

ĐÌNH CHỈ

Học sinh giáo dục đặc biệt nhìn chung có thể không bị đình chỉ hoặc chuyển khỏi môi trường học hiện tại trong hơn 10 ngày học liên tiếp nếu không có sự đồng ý của phụ huynh hoặc lệnh của tòa án hoặc viên chức điều trần.  34 C.F.R. §300.530(b).

Giới hạn về việc đình chỉ này có thể không áp dụng cho học sinh giáo dục đặc biệt đã bị đình chỉ nhiều lần do các vi phạm khác nhau có số ngày cộng dồn hoặc tích lũy vượt quá 10 ngày học trong một năm học, miễn là không có một lần đình chỉ riêng biệt nào vượt quá 10 ngày học liên tiếp. Tuy nhiên, giới hạn này sẽ được áp dụng nếu từ tất cả các đợt đình chỉ, có thể thấy rằng cần cân nhắc thay đổi bố trí học tập cho học sinh.   34 C.F.R. §300.536(a)(1),(2).

Các yếu tố được cân nhắc khi xác định xem liệu các đợt đình chỉ có giống như thay đổi bố trí hay đuổi học bất hợp pháp hơn không bao gồm: số ngày của mỗi lần thay đổi bố trí, tổng số thời gian học sinh bị thay đổi bố trí, khoảng cách thời gian giữa những lần thay đổi bố trí, và những điểm tương đồng về hành vi của trẻ qua những lần bị đình chỉ. 34 C.F.R. §300.536(a)(1),(2)(iii).

Nếu các đợt đình chỉ dường như có cùng nguyên nhân, thì nhiều đợt đình chỉ có thể cấu thành sự thay đổi bố trí.  34 C.F.R. § 300.536(a)(2).  Nếu các đợt đình chỉ có thể được xem xét tiến hành thay đổi bố trí, thì nhóm IEP phải lên lịch một cuộc họp xác định biểu hiện, và tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến sự thay đổi bố trí sẽ được áp dụng.  34 C.F.R. § 300.530(e).

Một học sinh giáo dục đặc biệt chỉ có thể bị đình chỉ không cho sử dụng xe buýt của trường. Tuy nhiên, nếu một học sinh giáo dục đặc biệt không được sử dụng phương tiện đưa đón là xe buýt của trường, học sinh đó phải được cung cấp hình thức đưa đón thay thế miễn phí cho phụ huynh hoặc người giám hộ miễn là phương tiện đưa đón đó được quy định trong IEP của em.  Bộ Luật Giáo Dục California § 48915.5(c).

Môi trường thay thế tạm thời

Trong thời gian bị đình chỉ, nhân viên của trường học hoặc Học Khu có quyền tạm thời chuyển một học sinh giáo dục đặc biệt từ môi trường học tập hiện tại sang môi trường học tập khác. Việc này thường được gọi là “môi trường thay thế tạm thời”.  Tuy nhiên, việc thay đổi môi trường học tạm thời này không thể kéo dài hơn 10 ngày học liên tiếp.  34 C.F.R. §300.530(b).

Một học sinh giáo dục đặc biệt phải nhận được chương trình giáo dục công phù hợp miễn phí (FAPE) sau khi bị đình chỉ quá 10 ngày liên tiếp trong một năm học ngay cả khi học sinh bị đình chỉ đó được sắp xếp vào một môi trường học tập thay thế tạm thời.  34 C.F.R. §§ 300.530(b)(2) và (d)(4); và § 300.536.

Học Khu phải cung cấp các dịch vụ, trong phạm vi cần thiết, để học sinh có thể theo kịp tiến độ của chương trình giảng dạy chung một cách hợp lý và tiến bộ để đạt được các mục tiêu IEP của em.  Điều này có nghĩa là vào ngày đình chỉ thứ 11 trong một năm học, Học Khu phải cung cấp cho học sinh đó chương trình FAPE cho dù học sinh đó có thể phải nhận dịch vụ giáo dục trong môi trường không phải lớp học thông thường của mình.  Nếu cần, học sinh cũng phải nhận được đánh giá hành vi chức năng, các dịch vụ can thiệp hành vi và điều chỉnh hành vi được thiết kế để khắc phục những vi phạm hành vi cơ bản liên quan đến việc đình chỉ để việc này không tái diễn.  20 U.S.C § 1415 (k)(1)(D).

ĐUỔI HỌC VÀ ĐÁNH GIÁ XÁC ĐỊNH BIỂU HIỆN

Một cuộc họp xác định biểu hiện phải được tổ chức trong vòng 10 ngày học kể từ khi có quyết định thay đổi bố trí cho trẻ bị khuyết tật do vi phạm quy tắc ứng xử của học sinh. Nhà trường hoặc Học Khu bắt buộc phải tổ chức cuộc họp này dù họ gọi sự thay đổi bố trí là đình chỉ hay đuổi học.  20 U.S.C. §§ 1415(k)(1)(E); 34 C.F.R. § 300.530(e)(1).

Cuộc họp xác định biểu biện được tổ chức nhằm giúp nhóm IEP xác định xem hành vi dẫn đến quyết định đuổi học có phải do hoặc trực tiếp và chủ yếu liên quan tới tình trạng khuyết tật của trẻ hay không, hay nguyên nhân trực tiếp là do nhà trường thực hiện không tốt IEP của trẻ.  20 U.S.C. §§ 1415(k)(1)(E); 34 C.F.R. § 300.530(e)(1).  Cuộc họp xác định biểu hiện đôi khi được gọi là “IEP xác định biểu hiện” hoặc “IEP khẩn cấp khi bị đuổi học.”

 Con của quý vị có quyền quay lại môi trường học tập ban đầu của mình sau khi hết 10 ngày đình chỉ liên tiếp ngay cả khi đang chờ cuộc họp xác định biểu hiện.  Tuy nhiên, trường hợp thái độ hoặc hành vi của học sinh liên quan đến vũ khí, ma túy hoặc gây ra thương tích cơ thể nghiêm trọng là trường hợp ngoại lệ.  Khi xảy ra trường hợp này, nhà trường có thể chuyển học sinh đó sang môi trường học tập khác trong 45 ngày. 1415(k)(1)(G); 34 C.F.R. § 300.530(f)(2), 300.530(g).

Nếu Hành Vi Là Một Biểu Hiện của Tình Trạng Khuyết Tật

Nếu hành vi được xác định là một biểu hiện của tình trạng khuyết tật của học sinh, nhóm IEP phải hoàn thành đánh giá hành vi chức năng và thực hiện kế hoạch can thiệp hành vi cho học sinh đó.  Nếu học sinh đã có kế hoạch đó, nhóm IEP phải xem lại và điều chỉnh kế hoạch hành vi nếu cần thiết để giải quyết vấn đề về hành vi.  34 C.F.R. § 300.530(f)(1).

Nhóm IEP cũng phải đưa trẻ trở lại bố trí học tập hiện tại trừ khi hành vi hoặc thái độ của trẻ có liên quan đến vũ khí, ma túy hoặc gây thương tích cơ thể nghiêm trọng cho người khác, hoặc trừ khi nhà trường và (các) phụ huynh có thỏa thuận về một sự bố trí khác.  34 C.F.R. § 300.530(f)(2) và 34 C.F.R. § 300.530(g).

Thuật ngữ “thương tích cơ thể nghiêm trọng” nghĩa là thương tích cơ thể có liên quan đến:

  1. nguy cơ tử vong cao;
  2. sự đau đớn tột độ về thể chất;
  3. biến dạng kéo dài và rõ ràng; hoặc
  4. mất hoặc suy giảm chức năng hoạt động của bộ phận, cơ quan hoặc tâm thần kéo dài.  18 U.S.C.A. § 1365(h)(3).

          Nếu hành vi được phát hiện có liên quan trực tiếp đến sự thất bại của Học Khu trong việc thực hiện IEP, thì Học Khu phải thực hiện hành động ngay lập tức để giải quyết thiếu hụt hoặc vấn đề.  34 C.F.R. § 300.530(e)(3).

 Nếu Hành Vi KHÔNG PHẢI Là Một Biểu Hiện của Tình Trạng Khuyết Tật

Khi nhóm IEP xác định rằng hành vi không phải là một biểu hiện của tình trạng khuyết tật của học sinh, nhóm sẽ kết luận rằng (1) hành vi đó không phải là do, hoặc hành vi đó về cơ bản không liên quan đến tình trạng khuyết tật của học sinh, và/hoặc (2) hành vi đó không phải là kết quả trực tiếp của việc Học Khu không thực hiện tốt IEP của học sinh.  Nếu hành vi được xác định không phải là một biểu hiện của tình trạng khuyết tật của học sinh, Học Khu có thể tiếp tục tiến trình đuổi học.

Đối với bất kỳ sự thay đổi bố trí hay chuyển môi tường học tập nào lên tới hơn 10 ngày liên tục trong một năm học, bao gồm đình chỉ và đuổi học, con quý vị phải nhận được một chương trình giáo dục công phù hợp miễn phí (FAPE) ngay cả khi trẻ đang tham gia chương trình bố trí thay thế. Yêu cầu về FAPE này có nghĩa là Học Khu phải cung cấp các dịch vụ, trong phạm vi cần thiết, để học sinh có thể theo kịp tiến độ của chương trình giảng dạy chung một cách hợp lý và tiến bộ để đạt được các mục tiêu IEP của em.  34 C.F.R. §§ 300.530(b)(2) và (d).

KHÁNG CÁO ĐÁNH GIÁ XÁC ĐỊNH BIỂU HIỆN THÔNG QUA PHIÊN ĐIỀU TRẦN NHANH THEO ĐÚNG THỦ TỤC PHÁP LÝ

Nếu quý vị không đồng ý với đánh giá xác định biểu hiện của Học Khu, quý vị có quyền kháng cáo quyết định đó thông qua phiên điều trần nhanh theo đúng thủ tục pháp lý về giáo dục đặc biệt.  Phiên điều trần nhanh phải diễn ra trong vòng 20 ngày học kể từ khi quý vị yêu cầu phiên điều trần.  Quý vị phải nhận được quyết định cuối cùng từ viên chức điều trần trong vòng 10 ngày học sau khi phiên điều trần kết thúc.  Trong vòng 7 ngày sau khi nộp yêu cầu phiên điều trần nhanh, luật quy định nhà trường và phụ huynh phải gặp nhau để cố gắng giải quyết vấn đề kháng cáo, trừ khi cả phụ huynh và trường đều đồng ý bằng văn bản là không muốn làm vậy.  20 U.S.C. § 1415(k)(1)(H); 34 C.F.R. § 300.530(h) và 34 C.F.R. § 300.532(c)(3).

Quý vị cần phải nộp đơn yêu cầu phiên điều trần theo đúng thủ tục pháp lý càng sớm càng tốt và trước ngày diễn ra phiên điều trần riêng về đuổi học lên hội đồng quản trị của Học Khu (“Hội Đồng”).  Lý do quý vị cần phải nộp đơn yêu cầu phiên điều trần theo đúng thủ tục pháp lý trước khi gặp mặt Hội Đồng là để quý vị có thể đề nghị viên chức điều trần yêu cầu Học Khu ngừng phiên điều trần về đuổi học con quý vị cho đến khi phiên điều trần nhanh của quý vị kết thúc.  Viên chức điều trần sẽ cần thời gian để xử lý yêu cầu của quý vị và ban hành lệnh yêu cầu Học Khu hoãn phiên điều trần về đuổi học con quý vị cho đến sau khi phiên điều trần theo đúng thủ tục pháp lý kết thúc và ban hành quyết định.

Trong thời gian chờ phiên điều trần theo đúng thủ tục pháp lý, nếu Học Khu và phụ huynh học sinh không có thỏa thuận khác, học sinh phải tiếp tục chương trình giáo dục hiện tại của mình.  Bộ Luật Giáo Dục California § 56505(d); 34 C.F.R. § 300.518.  Điều này thường được gọi là “giữ nguyên trạng".

Tuy nhiên, việc giữ nguyên trạng có thể là “môi trường giáo dục thay thế tạm thời” nếu:

  1. Con quý vị tham gia vào hành vi phạm tội liên quan đến vũ khí, ma túy hoặc gây thương tích cơ thể nghiêm trọng cho người khác.  Nếu vậy, học khu có thể thay đổi bố trí sang một “môi trường giáo dục thay thế tạm thời” trong tối đa 45 ngày.  34 C.F.R. § 300.530(g); hoặc
  2. Nếu học khu thuyết phục được viên chức điều trần rằng sự hiện diện của con quý vị trong bố trí hiện tại “có khả năng lớn dẫn đến thương tích cho học sinh hoặc người khác”, viên chức điều trần có thể sắp xếp học sinh này vào một “môi trường giáo dục thay thế tạm thời” trong tối đa 45 ngày.  34 C.F.R. § 300.532(a) & (b).

Phải lựa chọn một “môi trường giáo dục thay thế tạm thời” để học sinh có thể tiếp tục tham gia chương trình giảng dạy chung và tiếp tục theo kịp tiến độ đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong IEP của mình.  34 C.F.R. § 300.530(d)(1). Ngay cả khi con quý vị được bố trí vào một môi trường thay thế tạm thời, con quý vị vẫn nên tiếp tục ở trong môi trường thay thế đó cho đến khi phiên điều trần kết thúc hoặc cho đến khi hết thời hạn ấn định cho môi trường thay thế tạm thời, tùy theo điều nào xảy ra trước.  Nếu thời hạn bố trí vào môi trường thay thế kết thúc bất kỳ lúc nào trước khi phiên điều trần kết thúc, thì con quý vị phải được quay trở lại môi trường học tập thông thường của em, trừ khi quý vị và Học Khu có thỏa thuận khác.

Nếu Học Khu không bố trí con quý vị vào một môi trường thay thế như một phần của hành động kỷ luật, thì con quý vị phải được tiếp tục ở tại môi trường hộc tập thông thường của em trong suốt quá trình điều trình.  20 U.S.C. §§ 1415(k)(4)(A); 34 C.F.R. § 300.533.

Sau phiên điều trần theo đúng thủ tục pháp lý, viên chức điều trần có thể yêu cầu thay đổi việc bố trí học tập của học sinh. Viên chức điều trần có thể thấy rằng hành vi của học sinh là một biểu hiện của tình trạng khuyết tật của trẻ và yêu cầu nhà trường phải giữ nguyên bố trí giáo dục ban đầu.  Tương tự như vậy đối với việc học sinh bị thay đổi bố trí do bị cáo buộc vi phạm liên quan đến vũ khí, ma túy hoặc thương tích cơ thể nghiêm trọng, viên chức điều trần có thể yêu cầu cho học sinh được quay trở lại bố trí thường lệ trước khi cán bộ nhà trường chuyển em đi nếu viên chức điều trần thấy rằng hành vi của học sinh không cấu thành hành vi phạm tội liên quan đến vũ khí, ma túy hoặc thương tích cơ thể nghiêm trọng.  20 U.S.C. §§ 1415(k)(2) và (3)(B); 34 C.F.R. § 300.532(b).

ĐIỀU TRẦN VỀ ĐUỔI HỌC DO HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CỦA TRƯỜNG TIẾN HÀNH

Nếu Học Khu đề nghị đuổi học, Học Khu sẽ chuyển quý vị và con quý vị tới hội đồng quản trị của Học Khu (”Hội Đồng”) để được điều trần nhằm xác định xem con quý vị có đáng bị đuổi học không.  Phiên điều trần này với Hội Đồng được tổ chức trong vòng 30 ngày học sau khi hiệu trưởng nhà trường quyết định đuổi học con quý vị. Hội Đồng cần phải đưa ra quyết định trong vòng 10 ngày học sau khi phiên điều trần của Hội Đồng kết thúc, trừ khi quý vị yêu cầu hoãn phiên điều trần hoặc quyết định bằng văn bản.  Bộ Luật Giáo Dục California § 48918(a).

Nếu Hội Đồng quyết định đuổi học con quý vị, quý vị có quyền kháng cáo quyết định của Hội Đồng. Sau khi nhận được quyết định của Hội Đồng, quý vị có 30 ngày để nộp đơn kháng cáo lên Ủy Ban Giáo Dục của Quận. Bộ Luật Giáo Dục California § 48919.

Có rất nhiều quy tắc điều chỉnh việc đuổi học và mỗi học khu có thể áp dụng các quy tắc khác nhau. Quý vị cần liên lạc với Học Khu mà con quý vị theo học để nhận bản sao các quy tắc và chính sách bằng văn bản của học khu đó.  Để biết thêm thông tin về các quy tắc khác nhau, quý vị có thể tìm hiểu Bộ Luật Giáo Dục California §§ 48916– 48927.

ĐUỔI HỌC HỌC SINH KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN NHẬN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

Nếu Học Khu không đánh giá nhu cầu giáo dục đặc biệt của con quý vị và quý vị cảm thấy rằng con mình hội đủ điều kiện, con quý vị có các quyền được bảo vệ trước khi bị đuổi học giống như đối với học sinh giáo dục đặc biệt nếu quý vị có thể chứng minh rằng Học Khu đã biết việc con quý vị bị khuyết tật trước khi gây ra hành vi dẫn đến hành động kỷ luật.  20 U.S.C. §1415(k)(5); 34 C.F.R. §§ 300.534(a) và (b).  Học Khu được coi là đã biết về tình trạng khuyết tật của con quý vị trước khi gây ra hành vi sai trái nếu, một trong bốn điều sau xảy ra trước khi gây ra hành vi đó:

  1. Quý vị đã bày tỏ mối lo ngại bằng văn bản với giáo viên hoặc các viên chức nhà trường khác rằng con quý vị cần chương trình giáo dục đặc biệt (trừ trường hợp ngoại lệ khi phụ huynh bị mù chữ hoặc khuyết tật không thể trình bày mối lo ngoại bằng văn bản); 
  2. quý vị yêu cầu rằng con quý vị cần được đánh giá để nhận chương trình giáo dục đặc biệt; hoặc
  3. một giáo viên hoặc nhân viên nhà trường khác bày tỏ mối lo ngại về hành vi hoặc khả năng thực hiện của trẻ đối với các viên chức giáo dục đặc biệt hoặc nhân viên giám sát trong học khu.

Nếu quý vị tin rằng Học Khu đã biết về tình trạng khuyết tật của con quý vị trước khi đưa ra quyết định đuổi học, quý vị có quyền nộp đơn yêu cầu điều trần theo đúng thủ tục pháp lý để trình bày lý lẽ của mình.  Quý vị cần yêu cầu một phiên điều trần nhanh càng sớm càng tốt và kèm theo bất kỳ và tất cả bằng chứng bằng văn bản của một hoặc nhiều trong số bốn yếu tố được liệt kê ở trên để cho thấy rằng nhà trường đã biết về tình trạng khuyết tật của con quý vị trước đó.

Xin lưu ý rằng có những thời hạn nộp đơn quan trọng áp dụng cho việc nộp đơn kháng cáo đánh giá xác định biểu hiện và tiến trình đuổi học của Học Khu. Quý vị nên tìm kiếm thêm tư vấn pháp lý về những thời hạn này càng sớm càng tốt. Nếu quý vị muốn nộp đơn theo đúng thủ tục pháp lý hoặc tìm kiếm hỗ trợ hoặc đại diện bổ sung, quý vị nên liên hệ với Văn Phòng Điều Trần Hành Chính (OAH).  Họ có thể giải đáp các câu hỏi chung không liên quan đến pháp lý và cung cấp một danh sách giới thiệu các luật sư và/hoặc người biện hộ chuyên bênh vực cho trẻ em giáo dục đặc biệt. Thông tin liên lạc như sau:

Office of Administrative Hearings
Special Education Division
2349 Gateway Oaks Drive, Suite 200
Sacramento, CA 95833-4231
Số điện thoại: 916-263-0880
Fax: 916-376-6319

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.