17 Lời Khuyên Biện Hộ Về Giáo Dục Đặc Biệt

Publications
#5130.05

17 Lời Khuyên Biện Hộ Về Giáo Dục Đặc Biệt

Tài liệu này sẽ cung cấp cho quý vị lời khuyên trước, trong và sau cuộc họp IEP[i] để giúp quý vị biện hộ cho con mình.

Tài liệu này sẽ cung cấp cho quý vị lời khuyên trước, trong và sau cuộc họp IEP1 để giúp quý vị biện hộ cho con mình.

TRƯỚC CUỘC HỌP IEP

1.   Sắp Xếp Hồ Sơ IEP Của Con Quý Vị

Trước cuộc họp IEP, hãy sắp xếp hồ sơ IEP của con quý vị. Chọn cách sắp xếp phù hợp với quý vị. Việc này sẽ giúp quý vị chuẩn bị cho cuộc họp. Đảm bảo quý vị có hồ sơ cập nhật tất cả thông tin trao đổi về con quý vị, như email về con quý vị với nhân viên trường học; tất cả yêu cầu thẩm định, kế hoạch thẩm định và báo cáo thẩm định; bản sao IEP của con quý vị và bất kỳ Thông Báo Trước Bằng Văn Bản nào2 quý vị có thể đã nhận được; bản sao các biện pháp bảo vệ theo thủ tục; thẻ báo cáo và báo cáo về sự tiến bộ; bài tập mẫu; kế hoạch can thiệp hành vi và mọi báo cáo sự cố về hành vị, nếu có.

2.   Yêu Cầu Thẩm Định

Học khu phải thẩm định học sinh trong tất cả các lĩnh vực nghi ngờ khuyết tật. Quý vị cũng có thể yêu cầu học khu của con quý vị thẩm định trẻ trong bất kỳ lĩnh vực nghi ngờ khuyết tật nào. Quý vị cũng có thể yêu cầu học khu của con quý vị thẩm định trẻ đối với bất kỳ dịch vụ nào mà trẻ có thể cần, như liệu pháp ngôn ngữ. Quý vị nên gửi tất cả yêu cầu thẩm định bằng văn bản tới học khu.

Sau khi quý vị gửi yêu cầu, học khu sẽ cung cấp cho quý vị kế hoạch thẩm định trong vòng 15 ngày. Sau khi quý vị ký tên và gửi lại kế hoạch này cho học khu, học khu có 60 ngày để hoàn tất thẩm định và tổ chức cuộc họp IEP.

Nếu không đồng ý với thẩm định của học khu, quý vị có thể đề nghị học khu thanh toán cho việc đánh giá giáo dục độc lập hoặc IEE. Học khu phải thanh toán cho đánh giá độc lập hoặc nộp đơn yêu cầu phiên điều trần theo thủ tục pháp lý (học khu sẽ phải chứng minh thẩm định của họ phù hợp).

3.   Yêu Cầu Tất Cả Báo Cáo Thẩm Định Một Tuần Trước Cuộc Họp IEP

Theo luật của tiểu bang và liên bang, học khu phải cung cấp bản sao báo cáo thẩm định trước cuộc họp IEP. Tuy nhiên, không có mốc thời gian nào cho học khu biết họ phải cung cấp cho quý vị bản sao báo cáo thẩm định trước cuộc họp IEP bao nhiêu ngày. Yêu cầu học khu sớm cung cấp cho quý vị bản sao báo cáo thẩm định một tuần trước cuộc họp IEP. Điều này rất quan trọng vì có thể giúp quý vị có thời gian đọc báo cáo, viết những câu hỏi quý vị đặt ra về báo cáo và lập kế hoạch cho cuộc họp IEP.

4.   Lập kế hoạch cho cuộc họp IEP với Bạn Bè hoặc Người Bênh Vực

Lập kế hoạch cho cuộc họp IEP với bạn bè hoặc người bênh vực có thể giúp quý vị chuẩn bị tốt hơn tại cuộc họp IEP.

Các hội phụ huynh, như Trung Tâm Nguồn Lực Gia Đình và Trung Tâm Thông Tin và Đào Tạo cho Phụ Huynh, có người bênh vực có thể giúp quý vị lập kế hoạch cho cuộc họp IEP hoặc đi cùng quý vị đến cuộc họp IEP. Hoặc, quý vị có thể kết bạn với một gia đình khác và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu con quý vị là khách hàng của Trung Tâm Khu Vực, Điều Phối Viên Dịch Vụ Trung Tâm Khu Vực sẽ giúp quý vị lập kế hoạch cho cuộc họp IEP. 

Cùng với bạn bè hoặc người bênh vực, quý vị hãy

  • đọc tất cả báo cáo thẩm định,
  • xác định mục tiêu cho cuộc họp IEP,
  • xem lại mục tiêu IEP hiện tại của con quý vị và tất cả báo cáo về sự tiến bộ liên quan đến mục tiêu IEP đó,
  • xác định mọi lĩnh vực nhu cầu mà con quý vị có, bao gồm những khó khăn đặc biệt mà con quý vị gặp phải và quý vị muốn học khu chú ý, và
  • xác định những thành tích con quý vị đã đạt được kể từ cuộc họp IEP gần đây nhất và những điều quý vị hy vọng trẻ sẽ biết.

Thảo luận với bạn bè hoặc người bênh vực về bất kỳ mục tiêu IEP nào quý vị muốn đề xuất với nhóm IEP.

Ngoài ra, hãy trao đổi về lựa chọn hòa nhập hoàn toàn hoặc hòa nhập gia tăng. Luật quy định rằng ở mức độ phù hợp tối đa, theo quyết định của nhóm IEP, trẻ khuyết tật phải được giáo dục tại trường học trong khu vực và tham gia các lớp học thông thường (với dịch vụ và hỗ trợ bổ sung, nếu cần). Nếu quý vị đang muốn có lựa chọn hòa nhập hoàn toàn hoặc hòa nhập gia tăng, như tham gia các chuyến đi thực địa hoặc hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ và thể thao, hãy xác định cách con quý vị tương tác với trẻ không khuyết tật ngoài giờ học và những điều giúp con quý vị thành công.

5.   Lập Danh Sách Các Vấn Đề Quý Vị Muốn Thảo Luận tại Cuộc Họp IEP

Cho dù đã chuẩn bị cho cuộc họp IEP tốt đến mức nào, quý vị cũng có thể lo lắng hoặc mất tập trung trong cuộc họp. Việc chuẩn bị bản danh sách gồm các vấn đề quý vị muốn thảo luận và các câu hỏi muốn đặt ra sẽ giúp quý vị không quên trong cuộc họp IEP. Trong cuộc họp IEP, quý vị có thể đánh dấu các vấn đề đã thảo luận và ghi nhanh câu trả lời cho câu hỏi.

6.   Gửi Thông Báo Bằng Văn Bản để Ghi Âm Cuộc Họp IEP

Nếu quý vị muốn ghi âm cuộc họp IEP, quý vị có thể sử dụng máy ghi âm hoặc ứng dụng ghi âm trên điện thoại để ghi âm cuộc họp IEP. Tuy nhiên, quý vị chỉ có thể ghi âm cuộc họp nếu quý vị cung cấp cho học khu thông báo bằng văn bản trước 24 giờ cho biết quý vị muốn ghi âm cuộc họp. Nếu quý vị ghi âm cuộc họp IEP, Học Khu cũng có thể ghi âm.

TRONG CUỘC HỌP IEP

7.   Dẫn Theo Bạn Bè, Người Bênh Vực, và/hoặc Người Biết Rõ Con Quý Vị

Quý vị có thể mời bất kỳ người nào quý vị muốn họ tham dự cuộc họp IEP của con quý vị. Quý vị nên đi cùng một người nào đó. Hãy cân nhắc việc dẫn theo một người nào đó, như nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày, ông bà, gia sư hoặc bất kỳ người nào khác biết rõ con quý vị và phong cách học tập của trẻ. Nếu quý vị dự định dẫn theo người bênh vực, bao gồm cả Điều Phối Viên Dịch Vụ Trung Tâm Khu Vực, quý vị cần phải lên lịch trước với họ.

8.   Đừng Ngại Đặt Câu Hỏi và Đảm Bảo Quý Vị Hiểu Bất Kỳ “Biệt Ngữ” Nào

Các cuộc họp IEP đôi khi có thể gồm rất nhiều nội dung và gây khó hiểu, ngay cả khi trước đây quý vị đã tham dự những cuộc họp này. Đặt câu hỏi là cách quan trọng giúp quý vị có sự hiểu biết và chuẩn bị để có thể biện hộ cho con mình.

Học khu phải giải thích tất cả kết quả và đề xuất bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Nhân viên học khu sử dụng các thuật ngữ giống nhau mỗi ngày và có thể quên rằng những người khác không biết ý nghĩa của những thuật ngữ đó. Nếu quý vị không hiểu vấn đề đã được đề cập trong cuộc họp IEP, đừng ngại đặt câu hỏi và yêu cầu cung cấp thêm thông tin.

9.   Thảo Luận Thành Tích Học Tập Hiện Tại Của Con Quý Vị

Nhóm IEP sẽ thảo luận năng lực hiện tại của con quý vị trong các lĩnh vực khác nhau. Việc này sẽ bao gồm xem xét tất cả các báo cáo và thẩm định. (Các) giáo viên và (các) nhà cung cấp dịch vụ của con quý vị sẽ thảo luận những điều quan sát được về năng lực của con quý vị. Đảm bảo rằng quý vị thảo luận những điều quan sát được về năng lực của con quý vị, bao gồm cả điểm mạnh của trẻ và/hoặc bất kỳ lo ngại nào về trẻ.

10.    Phát Triển Mục Tiêu IEP Hàng Năm và Đảm Bảo Đặt Ra Sự Tiến Bộ Phù Hợp Trong Việc Theo Dõi Mục Tiêu IEP

Nhóm IEP sẽ xem xét sự tiến bộ đối với mục tiêu hàng năm trước đây của con quý vị và sau đó phát triển mục tiêu hàng năm mới. Nếu con quý vị không đạt được mục tiêu hàng năm, nhóm IEP sẽ xem xét mục tiêu này. Nhóm IEP sẽ thay đổi mục tiêu này sao cho phù hợp với con quý vị và/hoặc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ bổ sung để giúp trẻ đạt được tiến bộ đối với mục tiêu này. Nhóm IEP sẽ phát triển các mục tiêu đầy tham vọng và thử thách phù hợp trong hoàn cảnh của trẻ.

Sau khi nhóm IEP phát triển các mục tiêu hàng năm mới cho con quý vị, nhóm IEP phải cho quý vị biết tần suất họ sẽ cung cấp cho quý vị báo cáo về sự tiến bộ của trẻ đối với các mục tiêu. Nếu con quý vị được thẩm định bằng tiêu chuẩn thành tích thay thế thay vì tiêu chuẩn giáo dục chung của học khu (như hệ thống Đánh Giá Kết Quả Học Tập và Tiến Bộ của Học Sinh California hay CAASPP), IEP phải chia nhỏ mục tiêu hàng năm thành các mục tiêu ngắn hạn được xem xét tại những thời điểm cụ thể trong năm để đảm bảo trẻ đạt được tiến bộ đối với mục tiêu hàng năm. Đảm bảo rằng các mục tiêu ngắn hạn phải rõ ràng và được chỉ định ngày tháng để xem xét sự tiến bộ. Nếu con quý vị được thẩm định bằng bài kiểm tra tiêu chuẩn giáo dục chung, IEP của trẻ sẽ không bao gồm mục tiêu ngắn hạn.

11.    Xác Định Cơ Hội Hòa Nhập Hoàn Toàn hoặc Hoà Nhập và Các Hỗ Trợ Cần Thiết để Thành Công

Học khu phải cung cấp hỗ trợ và dịch vụ bổ sung để hỗ trợ nhu cầu của học sinh khuyết tật trong các môi trường hòa nhập. Điều này có thể bao gồm nhân viên hỗ trợ được đào tạo, sử dụng máy ghi âm hoặc kế hoạch can thiệp hành vi để giải quyết hành vi.

12.    Mô Tả Việc Xếp Lớp cho Con Quý Vị và Xác Định Các Dịch Vụ và Hỗ Trợ Liên Quan Cụ Thể

Sau khi phát triển các mục tiêu hàng năm cho con quý vị, nhóm IEP sẽ trao đổi về các dịch vụ, hỗ trợ và việc xếp lớp hỗ trợ trẻ đạt được tiến bộ đối với mục tiêu hàng năm. Tất cả dịch vụ liên quan, như liệu pháp ngôn ngữ, phải được xác định, bao gồm số phút và tần suất (mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm) con quý vị nhận được dịch vụ.

Việc xếp lớp phải được xác định rõ ràng trong IEP của con quý vị. Ví dụ: “Natasha sẽ hòa nhập hoàn toàn ở lớp hai với nhân viên hỗ trợ toàn thời gian và chuyên gia hòa nhập sẽ hỗ trợ Natasha trong 5 giờ mỗi tuần”. Quý vị không có quyền yêu cầu học khu cung cấp dịch vụ từ một người cụ thể trong lớp học cụ thể, nhưng phải thảo luận các lựa chọn xếp lớp cụ thể với nhóm IEP.

13.    Chỉ Ký IEP nếu Quý Vị Hài Lòng

Quý vị không cần phải ký IEP tại cuộc họp – quý vị có thể mang về nhà để cân nhắc và thảo luận với người khác. Quý vị có thể đồng ý với một phần của IEP để những dịch vụ được quý vị chấp thuận có thể bắt đầu. Nếu quý vị ký IEP và đổi ý ngay sau đó, quý vị có thể tìm cách rút lại sự đồng ý bằng việc viết thư cho quản trị viên giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, việc quý vị rút lại sự đồng ý sẽ không hủy bỏ chương trình giáo dục và dịch vụ diễn ra sau khi quý vị đồng ý và trước khi quý vị rút lại sự đồng ý. Nếu quý vị và học khu không nhất trí về IEP đã đề xuất, IEP gần đây nhất mà quý vị chấp thuận sẽ vẫn có hiệu lực trong khi tranh chấp của quý vị được giải quyết tại cuộc họp, phiên hòa giải hoặc phiên điều trần theo thủ tục pháp lý trong tương lai.

SAU CUỘC HỌP IEP

14.  Nếu Có Thể, Hãy Tham Gia Vào Lớp Học/Trường Học Của Con Quý Vị

Các phụ huynh có lượng thời gian và tiền bạc khác nhau. Quý vị có thể liên hệ với giáo viên hoặc trường học của trẻ để hỏi về cách quý vị có thể trợ giúp trong lớp học hoặc trường học của trẻ. Quý vị có thể tình nguyện tham gia lớp học trong ngày học, tình nguyện tham gia hoạt động của trường hoặc nếu làm việc vào ban ngày, quý vị có thể chuẩn bị tài liệu vào buổi tối tại nhà. Việc hoạt động tích cực ở lớp học/trường học của trẻ có thể giúp quý vị quen thuộc hơn với trường học và nhân viên của trường, bao gồm cả giáo viên của trẻ, đồng thời giúp trẻ cảm thấy mình trở nên đặc biệt.

15.   Hỗ Trợ Con Quý Vị Phát Triển Tình Bạn với Bạn Cùng Lớp

Giúp trẻ phát triển tình bạn với bạn cùng lớp bằng cách sắp xếp các buổi chơi chung ngoài giờ học. Việc kết bạn với các bạn cùng lớp sẽ giúp con quý vị trở thành một phần trong cộng đồng.

16.  Theo Dõi Sự Tiến Bộ Của Con Quý Vị

Quý vị có thể cần xây dựng hệ thống giao tiếp thường xuyên với giáo viên của trẻ, như sổ liên lạc để trao đổi qua lại với trường học. Sổ liên lạc có thể giúp quý vị theo dõi con quý vị có nhận được các dịch vụ và hỗ trợ hay không. Quý vị cũng có thể cần xây dựng hệ thống giao tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan của trẻ, như nhà trị liệu ngôn ngữ, để theo dõi sự tiến bộ của trẻ.

Quý vị phải viết ra ngày hoàn thành dự kiến cho việc trẻ học các kỹ năng cụ thể, như ngày thực hiện các mục tiêu ngắn hạn trong các mục tiêu IEP của trẻ.

17.  Các Lựa Chọn nếu Mọi Việc Không Đi Đúng Hướng

Nếu quý vị cho rằng học khu không tuân theo các luật hoặc quy trình giáo dục đặc biệt và/hoặc không cung cấp dịch vụ cần thiết trong IEP đã ký, quý vị có thể nộp đơn khiếu nại về tuân thủ cho Sở Giáo Dục California (“CDE”). Học khu hoặc CDE sẽ điều tra khiếu nại và CDE sẽ lập quyết định bằng văn bản xem học khu có “không tuân thủ” hay không. Xem Quyền và Trách Nhiệm về Giáo Dục Đặc Biệt, Chương 6 để biết chi tiết.

Nếu quý vị và học khu không nhất trí về khả năng hội đủ điều kiện của trẻ, việc xếp lớp, nhu cầu về chương trình, dịch vụ hòa nhập hoặc dịch vụ liên quan, quý vị hoặc học khu có thể yêu cầu phiên điều trần theo thủ tục pháp lý. Nếu quý vị quyết định nộp đơn yêu cầu phiên điều trần theo thủ tục pháp lý, quý vị phải nộp đơn yêu cầu trong vòng hai năm kể từ ngày quý vị biết (hoặc có lý do để biết) về các dữ kiện trong khiếu nại của mình. Tại phiên điều trần, cả hai bên phải đưa ra bằng chứng cho nhân viên điều trần độc lập do Tiểu Bang California thuê. Nhân viên điều trần sẽ quyết định về các dữ kiện, luật và đưa ra quyết định bằng văn bản. Xem Quyền và Trách Nhiệm về Giáo Dục Đặc Biệt, Chương 6 để biết chi tiết.

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.

  • 1. Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân. Được phát triển tại cuộc họp bao gồm tối thiểu (các) phụ huynh, giáo viên của trẻ và quản trị viên học khu.
  • 2. Học khu phải cung cấp cho quý vị Thông Báo Trước Bằng Văn Bản trong “thời gian hợp lý trước khi” từ chối thực hiện hoặc thay đổi việc xác định, đánh giá, xếp lớp hoặc cung cấp giáo dục công miễn phí và phù hợp (“FAPE”). Thuật ngữ “thời gian hợp lý” không được định nghĩa trong đạo luật. Thông báo phải nêu rõ dịch vụ hoặc việc xếp lớp bị học khu từ chối, giải thích về việc từ chối, mô tả từng quy trình đánh giá, thẩm định, hồ sơ hoặc báo cáo được học khu sử dụng khi đưa ra quyết định của mình. Thông báo cũng phải thông báo cho quý vị về quyền của quý vị để phản đối quyết định đó. 34 C.F.R. Mục 300,503; Bộ Luật Giáo Dục California Mục 56500.4.