15 Lời Khuyên dành cho Người Bênh Vực là Phụ Huynh và Thành Viên Gia Đình

Publications
#7148.05

15 Lời Khuyên dành cho Người Bênh Vực là Phụ Huynh và Thành Viên Gia Đình

Mục tiêu của quý vị là giúp cho con hoặc thành viên gia đình có hành trang tốt nhất để bước sang tuổi trưởng thành và đảm bảo con hoặc thành viên gia đình được nhận các dịch vụ và sự hỗ trợ để đạt được mục tiêu. 

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.

Mục tiêu của quý vị là giúp cho con hoặc thành viên gia đình có hành trang tốt nhất để bước sang tuổi trưởng thành và đảm bảo con hoặc thành viên gia đình được nhận các dịch vụ và sự hỗ trợ để đạt được mục tiêu.  Với nhiều gia đình, điều này đồng nghĩa với việc liên lạc với các cơ quan và hệ thống cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật.  Như vậy cũng đồng nghĩa là tham dự các cuộc họp và bênh vực thay mặt cho người thân.  Tờ thông tin này bao gồm các lời khuyên để giúp quý vị chuẩn bị cho các cuộc họp, xây dựng kế hoạch tốt nhất cho con hoặc thành viên gia đình và giải quyết các xung đột có thể phát sinh trong quá trình này.

1.  Bắt Đầu với Cá Nhân

Người quan trọng nhất trong quá trình lập kế hoạch chính là con hoặc thành viên gia đình của quý vị.  Hãy bắt đầu quá trình này với việc nghĩ về mục tiêu của từng cá nhân, thay vì nghĩ về một danh sách các dịch vụ.  Điều này sẽ giúp quý vị có ưu thế tốt hơn để xây dựng một kế hoạch mang tính cá nhân và có hiệu quả cao hơn.  Hãy bắt đầu với bức tranh tổng thể và đi vào chi tiết sau.  Các mục tiêu của cá nhân là gì?  Tình hình hiện tại của họ như thế nào?  Cần có những yếu tố gì để đạt được các mục tiêu đó? 

Hãy trò chuyện với con hoặc thành viên gia đình về những chủ đề này.  Khuyến khích họ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tạo điều kiện để họ đưa ra các quyết định và làm chủ kế hoạch cũng như dịch vụ họ muốn.  Khi làm như vậy, quý vị sẽ góp phần khích lệ họ đưa ra lựa chọn của riêng mình.  Qua đó cũng giúp họ có cái nhìn rõ hơn về những gì cần có để đạt được mục tiêu của họ.

Khi đã trả lời những câu hỏi này, quý vị sẽ có thể xác định tốt hơn các mốc thời gian, dịch vụ, cơ quan và tổ chức nên được đưa vào quá trình lập kế hoạch. 

2.  Giữ Hồ Sơ

Quý vị nên giữ bản sao các tài liệu, đánh giá, thư tín và thông báo liên quan đến con hoặc thành viên gia đình của quý vị.  Quý vị có thể giữ các bản sao này trong thư mục hoặc sổ ghi chép.  Quý vị cũng có thể lưu các tài liệu dưới dạng điện tử để các giấy tờ quan trọng không bị mất. 

Về mặt pháp lý, hầu hết các cơ quan bắt buộc phải cung cấp cho quý vị bản sao hồ sơ của con quý vị.  Nếu quý vị cần hồ sơ mà mình không có, quý vị có thể yêu cầu thêm bản sao hồ sơ của con quý vị bất cứ lúc nào.

Nếu quý vị trao đổi với ai đó qua điện thoại, hãy xin tên và chức danh của người đó và cơ quan mà họ công tác.  Theo sau đó, hãy gửi một bức thư hoặc email về cuộc trò chuyện giữa hai người và thông tin họ đã chia sẻ với quý vị.  Nếu cần, hãy yêu cầu họ gửi cho quý vị thông tin này qua thư hoặc email.

Khi xác định hồ sơ nào là hữu ích để chia sẻ với một cơ quan, hãy cân nhắc các câu hỏi sau:  Nội dung hồ sơ này có thể hiện chính xác về con hoặc thành viên gia đình của tôi không?  Hồ sơ có liên quan đến (các) dịch vụ tôi đang yêu cầu không?  Nếu quý vị có hồ sơ sẽ hỗ trợ quý vị trong các nỗ lực bênh vực, hãy mang theo đến cuộc họp hoặc đính kèm vào yêu cầu cuộc họp của quý vị.  Điều không kém phần quan trọng là ghi chép về những người quý vị đã cung cấp thông tin, thời gian và những gì quý vị đã cung cấp cho họ.

3.  Yêu Cầu Những Gì Quý Vị Cần

Mặc dù nhiều cơ quan có các cuộc họp lập kế hoạch hàng năm, quý vị có thể yêu cầu một cuộc họp hoặc yêu cầu dịch vụ bất cứ lúc nào.  Chúng tôi khuyên quý vị nên yêu cầu bằng văn bản và giải thích những điều quý vị muốn thảo luận tại cuộc họp.  Trong yêu cầu của mình, quý vị nên nêu rõ thời gian quý vị có thể họp.  Yêu cầu nên ghi ra những người mà quý vị muốn có mặt tại cuộc họp.  Quý vị cũng có thể đưa ra thời hạn hợp lý mà quý vị muốn cơ quan phản hồi yêu cầu. Thời hạn hợp lý sẽ cho phép cơ quan có đủ thời gian để xem xét yêu cầu của quý vị và sẽ đáp ứng nhu cầu của con hoặc thành viên gia đình quý vị. 

4.  Ngôn Ngữ Chính

Quý vị có quyền nhận thông tin bằng ngôn ngữ chính của mình.  Quý vị có quyền yêu cầu thông dịch viên nói ngôn ngữ chính của quý vị, bao gồm cả Ngôn Ngữ Ký Hiệu Của Mỹ (American Sign Language (ASL)).  Nếu quý vị bị khuyết tật, quý vị có quyền nhận thông tin ở các định dạng thay thế, chẳng hạn như Chữ In Cỡ Lớn, chữ nổi Braille, v.v. Quý vị có thể yêu cầu các cơ quan cung cấp thông dịch viên phục vụ các cuộc họp và/hoặc tài liệu văn bản bằng ngôn ngữ chính của quý vị hoặc ở định dạng thay thế.

5.  Biết Rõ Quyền Lợi

Có nhiều cơ quan khác nhau hỗ trợ người khuyết tật.  Một số cá nhân có thể cần dịch vụ từ nhiều cơ quan khác nhau, trong khi người khác có thể chỉ cần dịch vụ từ một hoặc hai cơ quan. 

Mỗi cơ quan có thể có luật, chính sách và thủ tục khác nhau chi phối đối tượng họ phục vụ, loại dịch vụ họ cung cấp và quy trình họ cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật.  Disability Rights California mang đến sự bênh vực và thông tin về các cơ quan cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật ở California.  Để xem các ấn phẩm của chúng tôi hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng truy cập www.disabilityrightsca.org hoặc gọi theo số (800) 776-5746.  

Nhiều cơ quan sẽ đăng các liên kết đến luật có liên quan trên trang web của họ.  Để biết thông tin về chương trình giáo dục đặc biệt, vui lòng truy cập trang web của California Department of Education: www.cde.ca.gov.  Để biết thông tin về các dịch vụ dành cho người khuyết tật trí tuệ hoặc phát triển/các dịch vụ của Trung Tâm Khu Vực, vui lòng truy cập trang web của California Department of Developmental Services: www.dds.ca.gov.  Để biết thông tin về các dịch vụ chuyển tiếp trước khi đi làm và các chương trình phục hồi hướng nghiệp, vui lòng truy cập trang web của California Department of Rehabilitation: www.dor.ca.gov.

6.  Chuẩn Bị

Trước một cuộc họp, hãy dành thời gian để xem xét các tài liệu, đánh giá và hồ sơ.  Nếu cơ quan quý vị gặp sẽ xem xét các đánh giá hoặc báo cáo mới với quý vị tại cuộc họp, quý vị có thể yêu cầu trước bản sao.  Hãy trao đổi với phụ huynh khác, giáo viên và các chuyên gia để xin kinh nghiệm và đề xuất của họ.  Hãy chắc chắn rằng các thành viên nhóm và những người ra quyết định có liên quan sẽ có mặt tại cuộc họp. 

7.  Lập Kế Hoạch

Hãy trò chuyện với con hoặc thành viên gia đình của quý vị trước cuộc họp về mục tiêu, nhu cầu và sở thích của họ.  Hãy phác thảo những điều quý vị muốn thảo luận trong cuộc họp.  Nếu quý vị sẽ yêu cầu một dịch vụ, quý vị nên ghi chú các lý do tại sao quý vị nghĩ rằng dịch vụ đó là cần thiết.  Quý vị có thể mang theo tài liệu hỗ trợ cho yêu cầu của mình.  Ví dụ: hồ sơ y tế, đánh giá, hồ sơ từ các cơ quan khác, thông tin thị trường lao động và nghiên cứu trực tuyến.  Quý vị cũng có thể viết ra danh sách các câu hỏi để đảm bảo rằng quý vị sẽ nhớ thảo luận chúng tại cuộc họp.

8.  Tham Gia

Trọng tâm của cuộc họp nên tập trung vào cá nhân.  Điều quan trọng là họ cần chia sẻ thông tin về mục tiêu, khả năng, sở thích, năng lực và thách thức của họ.  Hãycố gắng hết sức để khuyến khích con hoặc thành viên gia đình tham gia vào cuộc họp.  Nếu con hoặc thành viên gia đình của quý vị cần có những điều chỉnh thích hợp để có thể tham gia vào cuộc họp, hãy yêu cầu những điều này từ trước. 

Tại cuộc họp, hãy nhớ đặt câu hỏi, chia sẻ thông tin và đề xuất ý tưởng.  Nếu quý vị không hiểu những điều họ đang nói hoặc nội dung mà quý vị nhận được bằng văn bản, hãy đặt câu hỏi.  Quý vị và con hoặc thành viên gia đình của quý vị có quyền hỏi tất cả các câu hỏi mà quý vị cần để hiểu rõ những gì đang diễn ra.  Nếu quý vị có thông tin, báo cáo, đánh giá hoặc hồ sơ giúp hỗ trợ yêu cầu của mình, điều quan trọng là quý vị phải chia sẻ thông tin với những người hoặc cơ quan có liên quan.

Nếu quý vị đã yêu cầu dịch vụ hoặc đặt câu hỏi, hãy lắng nghe câu trả lời của bên kia và những điều họ nói.  Hãy chắc chắn rằng họ trả lời câu hỏi của quý vị.  Hãy hỏi về lý do dẫn đến quyết định của họ. Quý vị có thể yêu cầu họ cung cấp văn bản giải thích cho quyết định của họ.  Nếu họ đang trích dẫn luật, chính sách hoặc thủ tục, hãy yêu cầu một bản sao.

9.  Hãy Sáng Tạo

Việc bố trí các dịch vụ và lập kế hoạch cho tương lai của con hoặc thành viên gia đình quý vị KHÔNG phải là “một phương án phù hợp cho tất cả”.  Hãy cởi mở để thử một cách tiếp cận mới.  Hãy sáng tạo!  Khuyến khích người khác khám phá các chiến lược khác nhau, đặc biệt khi các chiến lược hiện tại không có hiệu quả.  Thay vì suy nghĩ về cách giải quyết xong việc, hãy nghĩ về những gì có thể đạt được.

10.  Hợp Tác

Mỗi cơ quan và nhân viên sẽ có những kỹ năng và nền tảng kiến thức riêng biệt để chia sẻ.  Hãy sẵn lòng lắng nghe những quan điểm và ý tưởng khác nhau.  Hỏi về các tài nguyên, dịch vụ và câu chuyện thành công.  Khi có bất đồng, hãy nhắc nhở nhóm về mục tiêu chung – là hỗ trợ cho sự thành công cho con hoặc thành viên gia đình quý vị. 

11.  Hãy Quyết Đoán thay vì Xốc Nổi

Tất cả mọi người, đặc biệt là quý vị và con/thành viên gia đình của quý vị, đều nỗ lực hết sức cho quá trình lập kế hoạch này.  Hãy thể hiện rõ ràng những điều quý vị muốn.  Yêu cầu làm rõ về những việc mà các cơ quan có thể và không thể làm. 

Đôi khi những ý kiến hợp lý lại có bất đồng.  Khi quyết định cách giải quyết các bất đồng này, hãy nhớ rằng quý vị và con hoặc thành viên gia đình của quý vị rất có thể sẽ có mối quan hệ lâu dài với các cơ quan cung cấp dịch vụ.  Điều quan trọng là phải nêu ra những bất đồng của mình.  Nếu quý vị thấy rằng việc thảo luận về sự bất đồng không còn hiệu quả hoặc các cơ quan giữ vững lập trường của mình, quý vị có thể nghĩ đến phương án phản đối quyết định đó thay vì tiếp tục thảo luận. 

Nếu một yêu cầu bị từ chối hoặc nếu quý vị cảm thấy thông tin chia sẻ tại cuộc họp dường như không phù hợp với quý vị, hãy yêu cầu bản sao của luật hoặc chính sách mà cơ quan đang sử dụng để hỗ trợ cho lý do hoặc quyết định từ chối của họ.  Thông thường, người khuyết tật và phụ huynh của họ có quyền được nhận thông báo bằng văn bản hoặc thư giải thích lý do vì sao yêu cầu bị từ chối.  Quý vị có quyền biết lý do tại sao quý vị bị từ chối một dịch vụ hoặc vì sao các dịch vụ bị giảm thiểu hoặc chấm dứt. 

12.  Quyền Kháng Cáo

Quý vị có quyền phản đối một quyết định nếu quý vị không đồng ý.  Quý vị có quyền hỏi về quy trình phản đối quyết định mà quý vị không đồng ý.  Quý vị có quyền nhận được thông tin đó bằng văn bản.  Hầu hết các quy trình kháng cáo đều có các mốc thời gian liên quan đến thời gian quý vị phải phản đối quyết định. 

13.  Giải Pháp Tạm Thời

Quý vị có thể có một vấn đề hoặc yêu cầu không thể giải quyết tại cuộc họp.  Ví dụ, những bất đồng về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tài trợ cho dịch vụ hoặc nhà cung cấp nào có thể cung cấp dịch vụ cho con hoặc thành viên gia đình của quý vị.  Nếu có những vấn đề không thể giải quyết tại cuộc họp, hãy thảo luận về kế hoạch hành động ngắn hạn để đảm bảo cá nhân sẽ nhận được dịch vụ/có thể tham gia các dịch vụ trong khi tranh chấp đang được giải quyết.  Ví dụ: các cơ quan có thể đồng ý chia sẻ tài trợ cho một dịch vụ trong khi tranh chấp đang được giải quyết.  Hoặc quý vị có thể đồng ý ngày bắt đầu cho các dịch vụ ngay cả khi quý vị không chắc chắn về nhà cung cấp.

14.  Xác Nhận Thỏa Thuận và Mục Hành Động

Trước khi kết thúc cuộc họp, hãy đọc lại ghi chú của quý vị về các thỏa thuận và các mục hành động mà mọi người đã thảo luận để đảm bảo tất cả đều có cùng sự hiểu biết về nội dung cuộc họp.  Quý vị cũng có thể gửi cho nhóm một email hoặc thư theo dõi về những gì mọi người đã thảo luận tại cuộc họp.  Bằng cách làm như vậy, quý vị cũng sẽ tạo ra một hồ sơ về cuộc họp mà quý vị có thể lưu vào bộ hồ sơ của mình. 

15.  Ký Kết Tài Liệu

Hãy nhớ đọc tài liệu trước khi ký.  Quý vị và con hoặc thành viên gia đình của quý vị có quyền xem xét toàn bộ tài liệu.  Quý vị không bắt buộc phải ký vào kế hoạch hoặc các tài liệu khác tại cuộc họp.  Quý vị có thể yêu cầu mang về một bản sao để xem xét tại nhà.  Quý vị có thể cân nhắc thảo luận về tài liệu với các phụ huynh hoặc chuyên gia khác trước khi ký.  Nếu không đồng ý với một tài liệu hoặc muốn thay đổi tài liệu đó, quý vị có thể yêu cầu cơ quan thực hiện thay đổi trước khi ký.  Chỉ ký những điều quý vị đồng ý và ghi chú về những điều quý vị không đồng ý trên cùng một tài liệu hoặc trong thư giải thích mà quý vị đính kèm tài liệu.