Tập Tài Liệu Cho Phiên Điều Trần Trung Tâm Khu Vực

Publications
#5484.05

Tập Tài Liệu Cho Phiên Điều Trần Trung Tâm Khu Vực

Những tài liệu này sẽ giúp bạn chuẩn bị cho phiên điều trần của trung tâm khu vực. Hướng dẫn này áp dụng cho người tiêu dùng trung tâm khu vực từ 3 tuổi trở lên.

Chương 1 – Giới Thiệu

Quý vị có quyền kháng cáo nếu:

  1. Quý vị là khách hàng của trung tâm khu vực, đã yêu cầu dịch vụ mới và bị trung tâm khu vực từ chối;
  2. Trung tâm khu vực muốn giảm hoặc chấm dứt dịch vụ quý vị đã nhận được; hoặc
  3. Trung tâm khu vực cho biết quý vị không hội đủ điều kiện để nhận được dịch vụ.

Cẩm nang hướng dẫn này cung cấp cho quý vị thông tin về cách kháng cáo và những điều sẽ xảy ra trong quy trình kháng cáo. Nếu quý vị đang kháng cáo về việc bị từ chối tư cách đủ điều kiện, số 3, vui lòng xem Tập Tài Liệu Cho Phiên Điều Trần về Tình Trạng Hội Đủ Điều Kiện tại Trung Tâm Khu Vực của chúng tôi.

Quý vị có thể yêu cầu phiên điều trần nếu quý vị không đồng ý với việc giảm, thay đổi hay từ chối một dịch vụ mà quý vị nghĩ là mình cần nhận được từ trung tâm khu vực. Một phiên điều trần hành chính không giống như ra tòa và không có gì phải e sợ. Phiên điều trần hành chính đôi khi được gọi là “phiên điều trần công bằng”. Những phiên điều trần này thường được tổ chức trong một căn phòng ở trung tâm khu vực hoặc ở gần trung tâm khu vực. Thẩm phán cho phiên điều trần này được gọi là “thẩm phán luật hành chính”.

Phần về phiên điều trần dưới đây sẽ giải thích cách quý vị có thể yêu cầu phiên điều trần và quy trình điều trần.

Chương 2 – Quy Trình Điều Trần

Thông Báo Đầy Đủ

Nếu trung tâm khu vực muốn từ chối, giảm hay chấm dứt một dịch vụ, trung tâm cần lên lịch một buổi họp Kế Hoạch Chương Trình Cá Nhân (Individual Program Plan, IPP). Quý vị có quyền nhận được văn bản thông báo hành động (notice of action, NOA) nếu trung tâm khu vực từ chối dịch vụ quý vị muốn có. Thông báo của trung tâm khu vực phải cho quý vị biết họ định làm gì và những luật nào cho phép họ thực hiện quyết định đó. Thông tin này giúp quý vị quyết định liệu quý vị có nên kháng cáo hay không và giúp quý vị chuẩn bị cho phiên điều trần của mình. Thông báo này phải cho biết:

  • Hành động mà trung tâm khu vực sẽ thực hiện;
  • Lý do trung tâm khu vực thực hiện hành động này;
  • Thời điểm trung tâm khu vực thực hiện hành động này;
  • Luật, quy định hay chính sách cho phép trung tâm khu vực làm như vậy;
  • Cách thức và nơi nộp đơn kháng cáo;
  • Hạn cuối nộp đơn kháng cáo;
  • Thông tin về những gì xảy ra trong quy trình kháng cáo;
  • Cách xem xét hồ sơ trung tâm khu vực của quý vị và
  • Nơi nhận trợ giúp bênh vực.

Sau khi quý vị nhận được NOA, quý vị có thể nộp đơn yêu cầu phiên điều trần nếu quý vị không đồng ý. Nếu trung tâm khu vực từ chối, giảm hay chấm dứt một dịch vụ mà không thông báo cho quý vị, quý vị vẫn có thể kháng cáo – quý vị không cần phải có NOA để kháng cáo. Quý vị chỉ cần điền vào Mẫu Yêu Cầu Phiên Điều Trần Công Bằng, có thể tìm thấy tại http://www.dds.ca.gov/Forms/FairHearing/DS1805.pdf.

Nộp Đơn Yêu Cầu Phiên Điều Trần

Để nộp đơn yêu cầu phiên điều trần, quý vị hãy điền và gửi Mẫu Yêu Cầu Phiên Điều Trần Công Bằng mà trung tâm khu vực gửi cho quý vị cùng với NOA. Hãy gửi đơn yêu cầu phiên điều trần cho DDS. Nếu quý vị không chắc chắn phải gửi đơn yêu cầu cho ai, hãy gửi cho cả DDS và Văn Phòng Phiên Điều Trần Hành Chính tại địa chỉ 2349 Gateway Oaks Drive, Suite 200, Sacramento, CA 95833 hoặc gửi fax đến (916) 376-6318.

Giữ Nguyên Dịch Vụ Trong Khi Quý Vị Kháng Cáo (“Trợ Cấp Trong Lúc Chờ Đợi”)

Nếu trung tâm khu vực cố gắng thay đổi các dịch vụ mà quý vị đã nhận được, quý vị có quyền giữ nguyên dịch vụ trong khi kháng cáo. Quý vị phải kháng cáo trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được NOA để giúp cho dịch vụ của quý vị không bị thay đổi. Đây được gọi là “trợ cấp trong lúc chờ đợi”. Nếu quý vị yêu cầu một dịch vụ mới và trung tâm khu vực từ chối yêu cầu này, quý vị không có quyền nhận được trợ cấp trong lúc chờ đợi.

Cuộc Họp Không Chính Thức

Khi nộp Mẫu Yêu Cầu Phiên Điều Trần Công Bằng, quý vị có thể yêu cầu cuộc họp không chính thức và/hoặc một buổi hòa giải trước phiên điều trần. Cuộc họp không chính thức này là cuộc họp giữa quý vị (và đại diện của quý vị nếu có) và đại diện của trung tâm khu vực. Mục đích của cuộc họp này là giải quyết vấn đề hoặc ít nhất là thu hẹp vấn đề tại phiên điều trần. Đây là cơ hội để quý vị gặp gỡ nhà quản lý trung tâm khu vực và thuyết phục người đó cung cấp cho quý vị dịch vụ mà quý vị cần. Quý vị không cần phải có một cuộc họp không chính thức. Nếu quý vị yêu cầu cuộc họp không chính thức, trung tâm khu vực phải thu xếp một cuộc họp cho quý vị.

Trong vòng 5 ngày làm việc sau cuộc họp không chính thức, trung tâm khu vực phải gửi cho quý vị một quyết định bằng văn bản. Quyết định bằng văn bản phải liệt kê những vấn đề đã thảo luận trong cuộc họp. Quyết định phải nêu rõ quyết định của trung tâm khu vực về từng vấn đề, dữ kiện hỗ trợ từng quyết định và các luật, quy định và chính sách mà trung tâm khu vực sử dụng để đưa ra quyết định. Quyết định cũng phải cho quý vị biết cách kháng cáo quyết định.

Nếu quý vị đồng ý với quyết định của trung tâm khu vực sau cuộc họp không chính thức, quý vị có thể rút lại đơn yêu cầu phiên điều trần của mình. Quý vị có thể làm việc này bằng cách điền vào mẫu “Thông Báo Hủy Bỏ Phiên Điều Trần” mà trung tâm khu vực cung cấp. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 10 ngày sau khi trung tâm khu vực nhận được mẫu “Thông Báo Hủy Bỏ Phiên Điều Trần”.

Nếu quý vị không đồng ý với quyết định của trung tâm khu vực sau cuộc họp không chính thức, quý vị có thể tiếp tục với buổi hòa giải hoặc phiên điều trần đã lên lịch. Quý vị không cần phải chấp nhận quyết định của trung tâm khu vực.

Hòa Giải

Quý vị cũng có thể yêu cầu hòa giải. Buổi hòa giải là một cuộc họp có bố trí người hòa giải độc lập và được đào tạo gặp gỡ quý vị và đại diện của trung tâm khu vực. Buổi hòa giải diễn ra trong vòng 30 ngày kể từ ngày quý vị yêu cầu phiên điều trần. Người hòa giải sẽ cố gắng tìm điểm chung và các giải pháp mới. Người hòa giải không có quyền áp đặt sự đồng ý. Nếu quý vị đồng ý, quý vị hãy ký vào văn bản nhất trí và quy trình kháng cáo sẽ dừng lại. Nếu quý vị không đồng ý, quý vị sẽ chuyển sang phiên điều trần công bằng.

Nếu quý vị yêu cầu hòa giải, trung tâm khu vực phải tham gia hòa giải. Quý vị không cần tổ chức cuộc họp không chính thức trước nếu quý vị không muốn.

Tất cả mọi người nên cân nhắc về việc tham gia buổi hòa giải. Hòa giải thường là một ý hay vì đây sẽ là cơ hội để quý vị và trung tâm khu vực đạt được sự nhất trí. Tuy nhiên, buổi hòa giải cũng làm mất thêm thời gian. Chuyên gia hòa giải là người độc lập và sẽ giúp quý vị đạt được sự nhất trí. Ngay cả khi buổi hòa giải không như ý quý vị, thì quý vị vẫn sẽ có thêm thông tin về trường hợp của trung tâm khu vực. Thông tin này có thể hữu ích trong phiên điều trần công bằng của quý vị. Nếu quý vị nghĩ không thể hy vọng vào việc đạt được sự nhất trí thì quý vị có thể quyết định KHÔNG hòa giải. Đây gọi là “khước từ hòa giải”. Tuy nhiên, nhiều người vốn không có hy vọng về sự nhất trí cuối cùng vẫn đi đến đồng thuận trong buổi hòa giải. Nếu quý vị hoặc trung tâm khu vực khước từ hòa giải, hãy đảm bảo rằng quý vị đã sẵn sàng cho phiên điều trần. Phiên điều trần của quý vị có thể được xếp lịch sớm hơn nếu quý vị tham gia buổi hòa giải.

Kiến Nghị

Kiến nghị là yêu cầu gửi đến thẩm phán luật hành chính để họ quyết định một việc gì đó trước phiên điều trần. Những ví dụ về kiến nghị bao gồm kiến nghị bác bỏ dựa trên quy định giới hạn hiện hành hoặc kiến nghị vắng mặt trong buổi hầu tòa. Quý vị có thể nộp kiến nghị. Trung tâm khu vực cũng có thể nộp kiến nghị.

Đạo Luật Thủ Tục Hành Chính (“APA”) không áp dụng cho các phiên điều trần của trung tâm khu vực, nhưng có thể là hướng dẫn hữu ích về việc phản hồi kiến nghị. Quý vị có thể xem APA tại https://www.dgs.ca.gov/OAH/Case-Types/General-Jurisdiction/About/Page-Content/About-APA

Một số trung tâm khu vực đã nộp kiến nghị bác bỏ vụ kiện. Kiến nghị bác bỏ yêu cầu thẩm phán không chấp nhận phiên điều trần vì quý vị không có quyền yêu cầu phiên điều trần. Loại kiến nghị này rất hiếm xảy ra. Kiến nghị này còn trái với luật đảm bảo quyền của quý vị đối với phiên điều trần. Ngoại lệ duy nhất là khi không hề có một vấn đề thực tế nào cả, ví dụ, nếu luật quy định rằng không ai hội đủ điều kiện cho một dịch vụ nào đó, bất kể họ có nhu cầu hay không.

Phiên Điều Trần Công Bằng

Bước cuối cùng trong quy trình kháng cáo là phiên điều trần công bằng. Phiên điều trần diễn ra trong vòng 50 ngày kể từ ngày quý vị yêu cầu phiên điều trần trừ khi có yêu cầu hoãn lại vì lý do chính đáng. Phiên điều trần phải được tổ chức với sự tham gia của Thẩm Phán Luật Hành Chính (Administrative Law Judge, ALJ) đến từ Văn Phòng Điều Trần Hành Chính (Office of Administrative Hearings, OAH). Tại phiên điều trần, trung tâm khu vực phải trình bày trường hợp của họ trước. ALJ sẽ đưa ra quyết định bằng văn bản sau phiên điều trần khoảng 10 ngày.

Hoãn Lại (Trì Hoãn)

Quý vị hoặc trung tâm khu vực có thể yêu cầu thay đổi ngày diễn ra phiên điều trần hoặc buổi hòa giải. Để hoãn ngày diễn ra phiên điều trần, quý vị phải nộp “Kiến Nghị Hoãn Phiên Điều Trần và Khước Từ Thời Gian”. Dưới đây là liên kết dẫn đến mẫu đơn kiến nghị: https://www.dgs.ca.gov/-/media/Divisions/OAH/Forms/GJ-Forms/OAH24.pdf?la=en&hash=BEB591E13540FF3FC99D4B5238528704384F7546

Quý vị không cần phải có lý do hợp lý để yêu cầu tiếp tục trong lần đầu tiên quý vị yêu cầu. Tuy nhiên đối với mọi yêu cầu bổ sung, quý vị phải có “lý do chính đáng” để được OAH đồng ý.  “Lý do chính đáng” nghĩa là một lý do hợp lý. “Lý do chính đáng” có thể là việc một nhân chứng quan trọng không có mặt vào ngày điều trần công bằng, bệnh tật, trường hợp khẩn cấp hoặc người thân qua đời. Biểu mẫu yêu cầu quý vị gọi cho đại diện trung tâm khu vực và hỏi xem họ có đồng ý tiếp tục phiên điều trần hay không. Quý vị phải viết tên và số điện thoại của người đại diện trung tâm khu vực mà quý vị đã trao đổi vào khoảng trống đã cho. Sau đó cho biết người đó đồng ý hay phản đối việc hoãn phiên điều trần. Quý vị nên hỏi số fax hoặc địa chỉ email của người đại diện trung tâm khu vực để gửi mẫu hoàn chỉnh cho họ ký vào.

Quý vị hoặc đại diện của quý vị phải ký vào mục có tiêu đề “Khước Từ Thời Gian Theo Quy Định Của Luật Dành Cho Phiên Điều Trần Công Bằng Và Quyết Định Theo Đạo Luật Lanterman”. Để được cho phép hoãn phiên điều trần, quý vị phải đồng ý “khước từ” lịch trình của phiên điều trần. Điều này có nghĩa là quý vị đồng ý để phiên điều trần diễn ra muộn hơn 50 ngày sau khi quý vị yêu cầu phiên điều trần.

Hãy nhớ gửi mẫu cho đại diện trung tâm khu vực qua fax hoặc email và yêu cầu họ ký vào. Sau khi mẫu được ký, quý vị nên gửi cho OAH qua fax. Hãy sử dụng số fax dành cho khu vực sẽ diễn ra phiên điều trần:

  • OAH Sacramento: 916-376-6318
  • OAH Los Angeles: 916-376-6395
  • OAH San Diego: 916-376-6325
  • OAH Oakland: 916-376-6323

Nếu quý vị không có đủ thời gian để gửi văn bản kiến nghị, quý vị có thể thử gọi cho OAH và yêu cầu hoãn phiên điều trần qua điện thoại. Hợp Nhất

Hợp nhất xảy ra khi hai hay nhiều vụ việc có chung vấn đề hoặc dữ kiện được xét xử bởi cùng một thẩm phán vào cùng một thời điểm. Quý vị có thể yêu cầu hợp nhất. OAH cũng có thể yêu cầu hợp nhất hai hoặc nhiều vụ việc. Nếu cảm thấy không thoải mái với việc đồng ý hợp nhất, quý vị có thể từ chối. Thẩm phán sẽ quyết định có hợp nhất các vụ việc hay không, dựa vào Đạo Luật Lanterman và tình huống của các vụ việc.

Thông Dịch Viên

Nếu quý vị hoặc nhân chứng cần thông dịch viên, hãy liên hệ với OAH ngay lập tức. OAH sẽ cung cấp miễn phí thông dịch viên được chứng nhận.

Trợ Năng Khuyết Tật Tại Địa Điểm Diễn Ra Phiên Điều Trần

Các địa điểm diễn ra phiên điều trần phải thuận lợi cho người khuyết tật. Quý vị nên kiểm tra trước với OAH để đảm bảo các địa điểm này thuận lợi. Nếu một người khuyết tật cần phương tiện trợ giúp hợp lý để tham dự buổi điều trần, hãy liên hệ với OAH sớm nhất có thể để OAH có thể thu xếp.

Yêu Cầu Một Thẩm Phán Khác

Không phải tất cả các thẩm phán đều giống nhau. Quý vị cần tìm hiểu về thẩm phán của mình trước phiên điều trần. Quý vị có thể yêu cầu một thẩm phán khác nếu người được chỉ định cho quý vị có quá khứ thiên vị hay thành kiến. Quý vị có thể làm việc này bằng cách nộp kiến nghị từ chối thẩm phán. Mẫu yêu cầu về việc đổi thẩm phán có trong phần Phụ Lục B.

Để tìm thông tin về thẩm phán được chỉ định cho vụ việc của quý vị, hãy đăng nhập vào trang web của OAH tại http://www.dgs.ca.gov/oah/GeneralJurisdiction/Calendar.aspx (lịch xét xử chung) và nhập số hồ sơ của quý vị. Thẩm phán sẽ được chỉ định khi đến gần ngày diễn ra phiên điều trần. Sau đó, hãy truy cập liên kết theo địa chỉ https://www.dgs.ca.gov/OAH/Case-Types/General-Jurisdiction/Resources/DDS-Decisions và nhập tên thẩm phán. Quý vị sẽ thấy danh sách các vụ việc mà thẩm phán đã phân xử. Hãy đọc một số vụ việc để biết liệu đó có phải là thẩm phán mà quý vị muốn phân xử vụ việc của mình hay không. Nếu không, hãy nộp kiến nghị từ chối thẩm phán. Chỉ cần gửi hoặc gửi fax kiến nghị từ chối cho OAH. Cung cấp thông tin liên lạc của quý vị. Nếu không nhận được tin tức từ OAH thì quý vị hãy gọi cho OAH trước khi diễn ra phiên điều trần để tìm hiểu xem yêu cầu của quý vị có được chấp thuận không. Thông thường, yêu cầu này sẽ được chấp thuận.

Chương 3 – Chuẩn Bị Cho Phiên Điều Trần

Xác Định Luận Cứ Pháp Lý Của Quý Vị

Luận cứ pháp lý là luật mà quý vị dựa vào để chứng minh quý vị hội đủ điều kiện nhận được dịch vụ mà quý vị và trung tâm khu vực không nhất trí cũng như dữ kiện hỗ trợ khiếu nại của quý vị. Chuẩn bị luận cứ pháp lý của quý vị:

Xem lại luật hỗ trợ lập trường của quý vị.

Tìm và đọc những quyết định trong Phiên Điều Trần Công Bằng trước đó tại liên kết sau: https://www.dgs.ca.gov/OAH/Case-Types/General-Jurisdiction/Resources/DDS-Decisions

Chuẩn Bị Bằng Chứng Của Quý Vị

Bằng chứng là những dữ kiện ủng hộ khiếu nại của quý vị. Bằng chứng bao gồm các tài liệu và lời khai của nhân chứng. Quý vị chỉ nên sử dụng bằng chứng có liên quan. Bằng chứng có liên quan là bằng chứng giúp chứng minh rằng quý vị hội đủ điều kiện nhận được dịch vụ mà trung tâm khu vực từ chối, cố gắng giảm bớt hoặc cố gắng chấm dứt.

Thu Thập Bằng Chứng Bằng Văn Bản (Tài Liệu)

Quý vị nên thu thập tất cả bằng chứng bằng văn bản hỗ trợ luận cứ pháp lý của quý vị. Một vài ví dụ về bằng chứng này bao gồm:

  • Bản mô tả dịch vụ;
  • IPP mô tả các mục tiêu của dịch vụ;
  • Báo cáo hoặc đánh giá về tâm lý cho thấy quý vị cần dịch vụ đó;
  • Bản tóm tắt của nhân viên được đào tạo chuyên môn;
  • Báo cáo tiến triển từ nhà cung cấp dịch vụ; và
  • Bản lời khai về dịch vụ của nhân viên hoặc những người khác.

Quý vị có thể yêu cầu hồ sơ từ trường học, nhà cung cấp dịch vụ y tế và cơ quan chính phủ. Những hồ sơ này có thể có thông tin hữu ích. Đừng trì hoãn việc yêu cầu hồ sơ. Việc thu thập tài liệu thường mất nhiều thời gian hơn quý vị tưởng.

Ngoài tài liệu đã có sẵn, quý vị có thể cần có thêm bằng chứng bằng văn bản để hỗ trợ trường hợp của quý vị, như báo cáo đánh giá của một chuyên gia. Quý vị có thể yêu cầu những người biết rõ về quý vị viết thư hoặc bản lời khai. Thẩm phán có thể coi trọng thông tin của người tham gia phiên điều trần với tư cách nhân chứng hơn thông tin của người viết thư hoặc bản lời khai.

Quý vị có quyền xem tất cả hồ sơ ở trung tâm khu vực, bao gồm cả những hồ sơ mà trung tâm khu vực có được từ các cơ quan hoặc cá nhân bên ngoài. Trung tâm khu vực phải cho quý vị quyền tiếp cận hồ sơ của mình trong vòng 3 ngày làm việc sau khi quý vị yêu cầu xem chúng. Nếu quý vị muốn, trung tâm khu vực cũng phải giúp quý vị hiểu hồ sơ của mình. Nếu hồ sơ của trung tâm khu vực có các tài liệu giúp chứng minh vụ việc của quý vị, quý vị nên thêm chúng vào bằng chứng của mình. Đừng cho rằng ALJ sẽ có những tài liệu này vì trung tâm khu vực có chúng. ALJ chỉ xem bằng chứng mà quý vị và trung tâm khu vực chọn cung cấp.

Quý vị cũng nên xem chính sách hoặc hướng dẫn Mua Dịch Vụ (Purchase of Service, POS) của trung tâm khu vực. Có nhiều chính sách và hướng dẫn được đăng trên trang web của trung tâm khu vực. Nếu quý vị không thể tìm thấy chính sách POS trên mạng, hãy gọi cho trung tâm khu vực và yêu cầu bản sao. Nếu những định nghĩa về dịch vụ hữu ích cho vụ việc của quý vị thì hãy đưa chúng vào bằng chứng.

Quý vị có thể muốn tòa yêu cầu một cơ quan chuẩn bị hồ sơ cho phiên điều trần. Trát đòi của tòa sẽ buộc một cơ quan phải mang theo hồ sơ mà họ có đến tòa và xác nhận với tòa rằng tài liệu hoặc hồ sơ chưa bị sửa đổi. Quý vị có thể yêu cầu cơ quan thực hiện điều này bằng cách xác nhận bằng bản lời khai hoặc khai trực tiếp. Quý vị có thể tìm thấy mẫu trát đòi của tòa cho phiên điều trần công bằng trung tâm khu vực tại: https://www.dgs.ca.gov/OAH/Case-Types/General-Jurisdiction/Forms/Page-Content/DDS-Forms Chuẩn Bị Nhân Chứng

Lời khai của nhân chứng cũng là một loại bằng chứng. Đôi khi, quý vị cần phải mời nhân chứng hầu tòa. Trát đòi của tòa là một pháp lệnh buộc nhân chứng tham dự phiên điều trần để làm chứng. Quý vị nên mời nhân chứng ra tòa và yêu cầu họ làm chứng ngay sau khi quý vị có được ngày diễn ra phiên tòa để mọi người sẵn sàng.

Quý vị nên viết ra trước câu hỏi cho những người làm chứng của quý vị. Hãy xem kỹ câu hỏi với những người làm chứng để đảm bảo họ hiểu quý vị đang hỏi gì và hiểu rằng câu trả lời sẽ giúp ích cho vụ việc của quý vị. Nếu câu trả lời của nhân chứng không giúp ích cho quý vị thì quý vị đừng đặt câu hỏi đó trong phiên điều trần. Thay đổi cách diễn đạt câu hỏi có thể giúp ích cho quý vị.

Quý vị cũng nên chuẩn bị để làm chứng vì quý vị là nhân chứng tuyệt vời nhất cho chính quý vị hoặc cho con quý vị. Hãy chuẩn bị để nói về lý do tại sao quý vị cần dịch vụ. Quý vị có thể muốn nêu lý do tại sao các dịch vụ khác không mang lại kết quả mong muốn. Những dịch vụ này có thể giúp quý vị giải thích vì sao quý vị cần dịch vụ yêu cầu.

Trao Đổi Danh Sách Nhân Chứng và Vật Chứng

Trước phiên tòa ít nhất 2 ngày làm việc, quý vị và trung tâm khu vực phải trao đổi danh sách bằng chứng mà hai bên sẽ sử dụng tại phiên điều trần.

Trung tâm khu vực cần cung cấp cho quý vị và OAH bản tuyên bố quan điểm trước phiên điều trần 2 ngày làm việc. Bản tuyên bố quan điểm phải cung cấp cho quý vị thông tin thực tế về quyết định của trung tâm khu vực và lý do đưa ra quyết định, bao gồm thông tin về các nhân chứng và tất cả các tài liệu mà trung tâm sẽ sử dụng tại phiên điều trần. Bản tuyên bố quan điểm cũng phải bằng ngôn ngữ ưu tiên của quý vị hoặc của người đại diện quý vị ủy quyền.

Quý vị không cần chuẩn bị bản tuyên bố quan điểm nếu quý vị không muốn. Tuy nhiên, trong 2 ngày làm việc trước phiên điều trần, quý vị sẽ cần cung cấp cho trung tâm khu vực danh sách các nhân chứng và quan hệ giữa nhân chứng và quý vị, cùng bản sao của tất cả các báo cáo hoặc đánh giá chuyên môn mà quý vị dự định sử dụng để chứng minh trường hợp của mình. Nếu quý vị muốn sử dụng các tài liệu khác để chứng minh trường hợp của mình, quý vị có thể đưa chúng cho OAH và trung tâm khu vực bất cứ lúc nào trước khi phiên điều trần bắt đầu hoặc tại thời điểm bắt đầu phiên điều trần.

ALJ có thể ngăn không cho quý vị hoặc trung tâm khu vực giới thiệu tài liệu và nhân chứng không được trao đổi trước phiên điều trần 2 ngày làm việc.

Chương 4 – Trong và Sau Phiên Điều Trần

Quý vị nên đến phiên điều trần thật sớm. Phiên điều trần có thể kéo dài, vì thế quý vị có thể muốn mang theo nước và đồ ăn nhẹ. Mang theo bút và giấy để ghi chép trong phiên điều trần.

Tuyên Bố Mở Đầu

Quý vị nên có tuyên bố mở đầu. Tuyên bố mở đầu là không bắt buộc, nhưng nó sẽ giúp giải thích cho ALJ phiên điều trần đề cập đến vấn đề gì. Tuyên bố mở đầu của quý vị nên miêu tả dịch vụ quý vị đang yêu cầu và lý do yêu cầu dịch vụ đó. Tuyên bố nên có luật hỗ trợ yêu cầu của quý vị. Hãy đảm bảo miêu tả chính quý vị hoặc con quý vị để ALJ hiểu quý vị hoặc con quý vị cần gì. Tuyên bố mở đầu nên là tóm tắt ngắn gọn về vụ việc của quý vị. Trung tâm khu vực sẽ đưa ra tuyên bố mở đầu trước. Sau đó, quý vị sẽ đưa ra tuyên bố của mình.

Chất Vấn Nhân Chứng

Nhân Chứng Của Trung Tâm Khu Vực

Trung tâm khu vực sẽ giới thiệu nhân chứng của mình trước. Quý vị có thể đặt câu hỏi cho nhân chứng của trung tâm khu vực sau khi họ đặt câu hỏi xong. Đây gọi là “kiểm tra chéo”. Câu hỏi của quý vị nên giúp chứng minh rằng nhân chứng không hiểu điều gì đó hoặc không nhớ dữ kiện. Quý vị cũng có thể đặt câu hỏi chứng minh nhân chứng đang đứng về phía trung tâm khu vực, thay đổi những gì đã nói trước đó hoặc có thể không nói sự thật.

Hãy tập trung trong khi nhân chứng của trung tâm khu vực làm chứng. Quý vị có thể nhận thấy điểm yếu của người này để sau đó đưa ra trong cuộc thẩm vấn chéo. Mặt khác, quý vị nên tiếp tục đặt câu hỏi thẩm vấn chéo mà quý vị đã ghi ra trước phiên điều trần. Quý vị không nên đặt câu hỏi mà quý vị không biết câu trả lời, trừ khi quý vị nghĩ rằng câu trả lời có nhiều khả năng sẽ hỗ trợ cho luận cứ của quý vị.

Nhân Chứng Của Chính Quý Vị

Sau đó, quý vị sẽ đặt câu hỏi cho nhân chứng của chính quý vị. Đây gọi là “thẩm vấn trực tiếp”. Các nhân chứng chỉ nên nói về những điều mà chính họ đã làm, thấy hoặc nghe. Quý vị nên đặt những câu hỏi ngắn gọn, đơn giản, rõ ràng.

Ngoài việc trình bày luận cứ chính, quý vị có thể đặt câu hỏi cho nhân chứng của chính quý vị để bác bỏ những điều nhân chứng của trung tâm khu vực đã nói. Mặt khác, quý vị nên tiếp tục đặt câu hỏi mà quý vị đã chuẩn bị trước phiên điều trần. Quý vị có thể đặt câu hỏi chi tiết nếu câu trả lời của nhân chứng chưa rõ ràng.

Trung tâm khu vực cũng sẽ có cơ hội thẩm vấn chéo nhân chứng của quý vị. ALJ cũng có thể đặt câu hỏi cho nhân chứng. Sau khi trung tâm khu vực thẩm vấn chéo nhân chứng của quý vị, quý vị sẽ có cơ hội đặt thêm câu hỏi cho nhân chứng của mình. Đây gọi là kiểm tra gián tiếp. Lúc này, quý vị có thể nhờ nhân chứng của mình nói rõ hoặc nói lại tất cả những điều tiêu cực được nêu ra trong cuộc thẩm vấn chéo.

Tuyên Bố Kết Thúc/Văn Bản Tóm Tắt Kết Thúc

Khi quý vị hoàn tất phiên điều trần, quý vị có thể nhận thấy rằng thẩm phán không có toàn bộ thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu vậy, quý vị có thể yêu cầu thẩm phán “tiếp tục mở hồ sơ”. Thẩm phán có thể đồng ý hoặc từ chối yêu cầu của quý vị. Nếu thẩm phán cho phép tiếp tục mở hồ sơ thì quý vị và trung tâm khu vực có thể cung cấp cho thẩm phán thêm tài liệu và thông tin sau phiên điều trần.

ALJ thường sẽ yêu cầu tuyên bố kết thúc vào cuối phiên điều trần để tóm tắt bằng chứng. Đây là cơ hội tốt để tóm tắt nội dung quý vị đã trình bày tại phiên điều trần và trình bày lại lập trường cho rằng quý vị được quyền hưởng dịch vụ đó. Đôi khi, cả hai bên lại đồng ý với văn bản tóm tắt kết thúc thay vì tuyên bố kết thúc bằng lời. Lựa chọn này giúp quý vị cân nhắc tất cả lời khai trước khi tóm tắt luận cứ của mình. Văn bản tóm tắt kết thúc phải cung cấp thông tin và dữ kiện quý vị đã trình bày và nêu rõ luật hỗ trợ vụ việc của quý vị. Nếu ALJ tiếp tục mở hồ sơ sau phiên điều trần và nhận thêm bằng chứng, quý vị có thể đưa bằng chứng vào bản tóm tắt kết thúc. Mẫu Bản Tóm Tắt Kết Thúc có trong phần Phụ Lục D. Trang 16/39.

Sau Phiên Điều Trần

Sau phiên tòa của quý vị, ALJ có 10 ngày để viết quyết định. Quyết định này phải được ban ra không quá 80 ngày sau khi quý vị yêu cầu khiếu nại. Mẫu quyết định về phiên điều trần có trong phần phụ lục E. Quyết định của ALJ phải:

  • Viết bằng ngôn ngữ đơn giản, thông dụng;
  • Được dịch sang ngôn ngữ ưu tiên của quý vị;
  • Có phần tóm tắt dữ kiện;
  • Có tuyên bố về bằng chứng mà ALJ dùng để đưa ra quyết định;
  • Có quyết định về từng vấn đề hoặc câu hỏi nằm trong yêu cầu phiên điều trần và được trình bày trong phiên điều trần; và
  • Nêu rõ các luật, quy định và chính sách hỗ trợ cho quyết định của ALJ.

Nếu không đồng ý với quyết định về phiên điều trần, quý vị có hai lựa chọn.

Thứ nhất, quý vị có thể yêu cầu xem xét lại nếu quý vị cho rằng quyết định đưa ra là sai sót thực tế hoặc pháp lý. Quý vị có thể yêu cầu xem xét lại trong vòng 15 ngày kể từ ngày có quyết định. Một nhân viên điều trần khác sẽ xem xét yêu cầu của quý vị. Quyết định chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu xem xét lại của quý vị sẽ được đưa ra trong vòng 15 ngày.

Thứ hai, quý vị có quyền kháng cáo lên Tòa Thượng Thẩm. Quý vị phải kháng cáo trong vòng 180 ngày sau khi quý vị nhận được quyết định về phiên điều trần. Để biết thêm thông tin về quy trình này, hãy xem Các Quyền Theo Đạo Luật Lanterman, Chương 12: https://rula.disabilityrightsca.org/rula-book/chapter-10-appeals-and-complaints-disagreements-with-regional-centers-developmental-centers-or-service-providers/

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Ấn phẩm này chỉ là thông tin pháp lý và không phải là lời khuyên pháp lý về tình hình cá nhân của bạn. Nó là hiện tại kể từ ngày được đăng. Chúng tôi cố gắng cập nhật tài liệu của chúng tôi thường xuyên. Tuy nhiên, luật thường xuyên thay đổi. Nếu bạn muốn chắc chắn rằng luật không thay đổi, hãy liên hệ với DRC hoặc một văn phòng pháp lý khác.